Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

Không gục ngã - Kỳ 3: Lớp học cây táo

TT - Nhiều buổi chiều Nguyễn Bích Lan cứ ngồi một mình nhìn ra khung cửa sổ. Ngoài sân vườn hoa vẫn nở tươi và mây trắng vẫn trôi trên bầu trời, còn Lan chưa tìm ra được con đường nào cho mình. Tự học xong ngoại ngữ, Lan lại rơi vào trạng thái trầm uất như hồi mới phát hiện căn bệnh kỳ lạ của mình. Làm gì? Làm gì để hết thời gian trống rỗng mỗi ngày?

Lan đau đáu dằn vặt lòng. Rồi cô ứa nước mắt nhìn dáng mẹ ngày càng sọm đi vì vất vả nuôi con bệnh tật.

Cô giáo Lan luôn được các em yêu mến - Ảnh: QUỐC VIỆT

Hai tay và một viên phấn

Một buổi tối, Lan lặng lẽ nhìn mẹ chấm bài học sinh và cô nảy ra một ý tưởng. Cô ôm mẹ thủ thỉ: “Hay là mẹ cho con thử làm cô giáo nhé? Quê mình chưa có giáo viên tiếng Anh. Con nghĩ mình sẽ không vô ích”. Mẹ Lan rất ngạc nhiên trước đề nghị bất ngờ của con gái. Rồi bà lo con mình không thể xin vào dạy ở trường học được vì thiếu bằng cấp. Nhưng trong lòng bà còn có một nỗi lo lớn hơn là sức khỏe của con. Mỗi bước chân Lan là mỗi nguy hiểm. Cô có thể té ngã chỉ vì một mô đất hay một viên sỏi nhỏ, mà đầu lại luôn đập xuống trước rất nguy hiểm. Đặc biệt, viên phấn cũng là vật quá sức với cô. Lan phải dùng hai tay cầm muỗng ăn thì làm sao cầm nổi viên phấn viết trên bảng cao.

Mẹ thương con do dự. Nhưng Lan vẫn quyết tâm. Cô thủ thỉ chỉ xin được dạy kèm vài học trò ở nhà là vui lắm rồi. Cuối cùng bà cũng gật, chủ yếu chỉ vì muốn con vui, quên bệnh tật. Bà lên lớp nói với học sinh: “Em nào muốn học thêm tiếng Anh thì đến nhà cô. Chị Lan dạy miễn phí có thưởng”. Lúc đó, học sinh làng quê Hưng Hà (Thái Bình) chưa được học ngoại ngữ, tiếng Anh còn lạ lẫm với học sinh. Vài hôm sau năm em cũng tìm đến Lan. Chúng rụt rè mà Lan cũng ngượng nghịu. Cô cố bắt chước phong cách cô giáo của mẹ.

Không có bàn ghế học sinh, các em phải tự dẹp đồ đạc trong nhà để ngồi bệt xuống phòng khách. Còn cô giáo Lan thì dùng cả hai tay để cầm một viên phấn, nắn nót từng chữ tiếng Anh vỡ lòng trên tấm bảng gỗ treo trên tường nhà. Bàn tay phải cầm phấn, còn tay trái thì đỡ phụ cổ tay phải để nâng viên phấn lên bảng. Tuy nhiên dòng chữ trên cùng của Lan không bao giờ cao hơn được quá mặt vì tay cô không nâng cao nổi. Đặc biệt, bệnh tình cũng làm Lan không thể cúi người xuống để xem bài viết của học trò ngồi thấp dưới đất. Lan phải bảo các em nâng tập cao lên hoặc viết lại trên bảng để cô kiểm tra.

Thời gian đầu cô và trò như đánh vật với tiếng Anh. Trẻ vùng chiêm trũng quen líu lo ngọng nghịu nên phát âm tiếng Anh cũng sai bét. Còn cô giáo thì vừa đổ mồ hôi với học trò vừa lả người với chính sức khỏe yếu ớt của mình. Có hôm Lan đứng lâu, quỵ đầu gối, tự ngã lăn đùng. Đầu cô đập bốp xuống sàn nhà gạch cứng chảy cả máu ra mặt. Học trò thương cô giáo ngồi khóc thút thít. Còn mẹ Lan xót con: “Hay là con nghỉ dạy?”.

Tuy nhiên, cô và trò vẫn ngày càng gắn bó với nhau. Lớp học cũng tiến bộ nhanh hơn cả mong đợi của cô giáo. Hôm nào học trò được điểm cao, Lan thưởng bằng chính cây táo sai trái ngoài vườn. Cô không hái nổi, học trò tự chọc cây hái, cười nói rộn rã cả sân nhà. Lớp học của cô Lan có tên “lớp học cây táo” bắt đầu từ đó. Không khí dạy và học thân tình khiến lớp của Lan ngày càng đông hơn. Học sinh ở trường rỉ tai nhau tìm đến lớp cây táo. Thậm chí một số phụ huynh ở làng dệt Phương La gần đó cũng gửi gắm con cho cô giáo Lan. Họ từng nhờ Lan viết giúp những hợp đồng xuất nhập khẩu bằng tiếng Anh nên biết khả năng và rất quý cô.

Phương pháp dạy ngoại ngữ của Lan cũng sinh động. Ngoài dựa vào giáo trình, cô hay kể lại những câu chuyện trong các sách ngoại văn đã được đọc để cuốn hút học trò của mình. Và cô trò cùng nhau học ngoại ngữ bằng chính những câu chuyện sinh động này. Thường đó là chuyện về những hoàn cảnh xúc động dưới đáy xã hội hoặc những con người vượt lên được nỗi bất hạnh của mình. Nhiều hôm cô trò dạy và học mà mắt đỏ hoe vì cảm xúc với các nhân vật mà mình đang học. Chính vì vậy, học trò của Lan rất chăm và tiến bộ nhanh. Đặc biệt, nhiều em còn trở nên ngoan hiền hơn.

Cô, trò và tấm lòng

Một học trò của Lan đã thành giáo viên ở xa, gửi thư tâm tình với cô giáo cũ - Ảnh: QUỐC VIỆT

Với những học trò hoàn cảnh gia đình khó khăn, Lan dạy miễn phí hoàn toàn. Một số phụ huynh có điều kiện, thường Lan cũng chỉ nhận 500 đồng cho mỗi buổi dạy. Lan dành dụm số tiền lẻ đó để mua phấn và sách vở dạy lại học trò. Thi thoảng cũng có phụ huynh mang đến ít gạo, nải chuối hoặc con lươn bắt được ngoài đồng để Lan bồi dưỡng. Họ quý Lan không chỉ vì cô dạy cho con mình tiếng Anh mà còn là nghị lực sống từ chính con người cô.

Về sau đã đông học trò, Lan sợ không đủ sức kèm hết nên không dám nhận. Tuy nhiên, chúng vẫn lấp ló đứng ngoài gốc cây táo, nhìn vào lớp suốt gần ba giờ học. Cuối buổi dạy, Lan xúc động gọi các em này ngày mai vào lớp của mình. Lớp đã đông nhưng vẫn thiếu thốn đủ thứ. Mãi về sau vài thanh gỗ tạp mới được kê vá víu lên làm bàn viết, mà ghế học trò vẫn là cái sàn nhà. Còn cô giáo Lan vẫn nặng nề lê bước đến kèm từng em. Thi thoảng cô lại té ngã. Những cú té luôn rất đau đớn vì đập đầu xuống trước, nhưng Lan phải nén đau, tếu táo trấn an học trò: “Có động não mới thông minh được các bạn à”.

Hầu hết học trò của Lan đều đã là học sinh cấp III cũng gần bằng lứa tuổi Lan lúc đó nên cô và trò rất thân nhau. Mặc dù được học trò yêu mến gọi là cô giáo, nhưng Lan vẫn xưng là chị và các bạn. Đặc biệt, Lan bị bệnh, chỉ có thể lủi thủi trong nhà nên càng gần gũi học trò. Hễ hôm nào có ai đến lớp trễ là Lan sốt ruột đi ra đi vào như trông người nhà. Những buổi học trò đi thi, đặc biệt là môn tiếng Anh, Lan dò dẫm ra tận đầu đường ngóng tin. Rồi cô trò cùng lấy bài làm nháp ra giải lại và phần thưởng cuối cùng lại là những trái táo trong vườn.

Lan xem học trò như bạn nên không khí lớp học rất cởi mở. Cô giáo sửa bài học trò và đôi khi học trò cũng thẳng thắn chỉnh lại những sơ suất của cô giáo. Tình cảm thân thiện làm cô trò gần gũi với nhau. Và nghị lực vượt lên bệnh tật của Lan lại càng làm học trò yêu quý. Nhiều buổi đang dạy Lan kiệt sức đến lả người, phải vào giường nằm. Nhìn học trò đứng vây quanh giường mà Lan ứa nước mắt xúc động.

Hơn 200 học trò từng ngồi bệt trên nền nhà ở lớp cây táo, bây giờ đã có nhiều người thành danh khắp nơi, trong đó hơn mười người đã thành giáo viên của các trường ở Thái Bình, Hà Nội... Dạy xa nhưng họ vẫn thường xuyên về thăm cô giáo cũ. Thậm chí có người đi dạy tận Lào Cai cũng thường xuyên viết thư tâm tình với Lan: “Em không thể quên được những trái táo trong vườn và cô giáo chẳng bao giờ la mắng học sinh nào!”.

Lan quý những lá thư này và học trò cũ như bạn thân thiết của đời mình. Cô cất giữ cẩn thận hình ảnh học trò và thư từ để thỉnh thoảng lại lấy ra xem, rồi mỉm cười nhìn qua khung cửa sổ.

QUỐC VIỆT

Tuoitre.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét