Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2011

Tình yêu "lột xác"

Thuở ban đầu “rung rinh”, teen nhìn thấy “nửa kia” của mình thật “lung linh” và hoàn hảo.

Thế nhưng khi chính thức thành một đôi, bạn lại hụt hẫng khi biết đó chỉ là lớp vỏ bên ngoài. Tình yêu chưa kịp nuôi dưỡng đã “chết yểu” từ lúc đó. Tại sao?

“Khi yêu, ta thường…xem nhẹ mọi thứ!”

Kẹo Me (lớp 12 trường M) đã trình bày quan điểm như vậy. Cô bạn cho biết: “Khi yêu, com tim thường đánh lừa lý trí bạn. Khi lý trí buộc bạn phải suy xét cẩn thận thì con tim lại gạt phắt đi “Chuyện nhỏ thôi mà!” rồi bỏ qua tất cả. Để đến chừng khi bạn đã chiếm trọn vẹn tình cảm của “người đó” rồi thì sự ích kỷ ngự trị bấy lâu bỗng “bùng phát”. Bạn bắt đầu “cân đong đo đếm”, làm phép so sánh, và chú ý “ấy ơi” từng…mi-li-met! Đến khi phát hiện ra mình đã “nhìn lầm” thì…muốn chia tay cũng đâu có dễ! Tại mới quen chưa được lâu, bây giờ nói “goodbye”, hóa ra mình là người không thật lòng? Nhiều bạn đã khá “cắn rứt” khi phải đối diện với tâm trạng rất ư “khó nói” như thế”

Chẳng lẽ bạn không hề yêu người đó?

Không phải. Thật ra trước khi tình cảm nảy mầm, bạn phát hiện nhiều ưu điểm của “đằng ấy” hơn là khuyết điểm. Vì còn “lạ lẫm” với nhau nên bạn chưa kịp “nhìn ra” điểm yếu của người ta. Để đến khi tình yêu “lột xác”, bạn mới biết những khuyết điểm đó “thật đáng ghét” và “không thể chấp nhận”. Thế rồi bạn lâm vào cảnh chán chường và muốn kết thúc tình yêu càng sớm càng tốt. Bạn cũng có yêu chút chút, cảm xúc đó không thể gọi là “sự ngộ nhận”. Khi bạn không chấp nhận được khuyết điểm của “ấy ơi”, thì tức là bạn chưa yêu thật lòng. Thế thôi.

Vậy tình yêu thường “lột xác” thế nào?

Khoảng thời gian tình yêu “lột xác” là sau 3 - 5 tháng. Khi đã quen thuộc với nhau rồi thì “đằng kia” có chiều hướng “không thể khoác một hình tượng ảo” được nữa. Và rồi sự thật được “phanh phui”!

T.T (lớp 11 trường V) kể: “Khi hai đứa còn là bạn bình thường thì mỗi lúc đi chơi, hắn toàn nồng nặc mùi nước hoa. Quen nhau rồi, hắn thường xuyên chơi bóng rổ dưới sân trường, mà mỗi lần chơi xong thì quần áo bẩn ơi là bẩn, vậy mà vẫn hồn nhiên ngồi bên cạnh mình, mồ hôi mồ kê đầm đìa. Mọi người xung quanh cũng ái ngại và có ý “tránh” hắn, “tránh” luôn mình. Mình có nhắc hắn, vậy mà hắn vẫn làm lơ, riết rồi mình cảm thấy “ức chế” và muốn tránh xa”...

B.L (lớp 12 trường N): “Đâu phải là người yêu thì chuyện gì cũng nói với nhau được. Nhưng bạn nghĩ xem, bạn gái mình thì nói tất tần tật luôn ấy! Đi chơi với nhỏ, mà lúc nào nhỏ cũng khen tên X sao đẹp trai quá, thằng Y hôm bữa ga-lăng ghê. Mình có ý lảng sang chủ đề khác thì nhỏ lại thao thao tới chuyện hôm bữa nhỏ ngủ trưa đến 4 tiếng, hôm qua nhỏ lỡ làm bể bình hoa ở góc phòng. Trời ơi, mình muốn điên đầu!”...

Bo (lớp 12 trường M) tâm sự: “Lúc đầu, cách nói chuyện của hắn cũng lạnh lùng lắm. Đến chừng quen mình rồi thì lúc nào cử chỉ cũng lúng túng, ngố ngố, mình thấy mệt. Nhìn hắn như trẻ con vậy. Hơn nữa, hắn thường nói chuyện “hơi vô duyên” khi bên cạnh mình, chẳng hạn như khi bị té xe đạp, hắn cũng kể, khi “tào tháo rượt”, hắn cũng kể nốt! Trời ơi! Sao hắn không giữ lại xíu xiu hình tượng gì như thuở ban đầu vậy trời!”...

***

Tuổi teen thường hay “hình tượng hóa” và luôn muốn lãng mạn một chút như trong những câu chuyện cổ tích. Đành rằng nếu yêu quá, người ta sẽ không còn như bản chất thực sự nữa, mà thành con người khác, nhưng đừng để “ấy ơi” xem thường khi bạn quá quỵ lụy và không biết cách chăm sóc tình yêu. Quan trọng là đừng để tình yêu phải “lột xác” quá nhiều.

Twinkle®

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét