Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

P03: Vượt Lên Chính Mình - Tập 2



Peter Doherty
“Khi bạn vấp ngã, chớ vội thoái lui, hãy làm lại từ đầu!”

Giáo sư bác sĩ Peter Doherty là trưởng khoa Miễn dịch tại Bệnh viện Nhi St. Jude ở Tennessee, Hoa Kỳ. Thành tựu nổi tiếng nhất của ông là công trình nghiên cứu về vai trò của kháng nguyên trong vấn đề miễn nhiễm, đặc biệt là đối với các tế bào bị nhiễm vi rút.
Cùng với Rolf Zinkernagel ông đoạt giải Nobel chung về Sinh lý học - Y học năm 1996 và được bình chọn danh hiệu Công dân Úc năm 1997. Nhưng có lẽ những thành công kể trên sẽ không thể có được nếu Peter Doherty không lựa chọn cái nghề, mà vào thời đó, người ta cho là nghề chẳng giống ai.
Lúc còn bé, tôi luôn cảm thấy mình là một kẻ thất bại. Tôi lớn lên ở miền Bắc nước Úc. Ở đây thời tiết cực kỳ oi bức, mật độ tia cực tím dày đặc. Do vậy, màu da trắng dân Ai-len của tôi không thích hợp với thành phố nổi tiếng nóng bức này. Bạn có thể thấy điều đó thể hiện rõ qua nước da của những người trên 40 tuổi ở đây - một lớp da trông giống như da tê giác. Việc sống trong khí hậu như thế là một hạn chế ngăn tôi tham gia vào các môn thể thao ngoài trời mà người Úc rất thích. Tôi không biết cách ném hay bắt một quả bóng. Đơn giản là tôi không hòa hợp với môi trường xung quanh. Còn tệ hơn nữa, đó là tôi không thể hòa hợp với xã hội. Phần lớn thời gian của tôi dành vào việc đọc sách, đọc bất kỳ thứ gì mà tôi vớ được. Bầu không khí nước Úc những năm 50 và đầu những năm 60 rất buồn tẻ. Tôi sống ở đó, quan tâm đến những điều chẳng ai thèm để ý như một kiểu tự do cá nhân.
Tôi sống khép kín, không thể thân thiện với bạn bè đồng trang lứa cũng như mọi người xung quanh và nhìn đời một cách bi quan.
Năm 17 tuổi, tôi đi thẳng từ trung học lên nghiên cứu về lĩnh vực thú y. Rõ ràng là tôi quá trẻ đối với một quyết định như vậy. Thời điểm đó, nước Úc chủ yếu phát triển dựa vào nông nghiệp, mọi người không có đủ lương thực để ăn và tôi say mê với ý tưởng nghiên cứu về thực phẩm chế biến từ động vật, một lĩnh vực còn khá mới mẻ đối với thế giới.
Phải mất đến ba năm tôi mới có thể học hết những môn khoa học cơ bản một cách đầy đủ và cặn kẽ. Tuy vậy, đối với tôi, việc tiếp xúc và gần gũi với chó mèo quả thật kinh khủng. Tôi chẳng mảy may xúc động khi một con chó hay con mèo nào đó vừa chết đi. Và tôi bị stress. Như hầu hết những sinh viên khác, tôi uống bia để giải tỏa căng thẳng và quên đi nỗi ám ảnh. Tôi thấy mình thật sai lầm khi chọn ngành thú y. Biết đâu nếu chọn lĩnh vực văn chương hay ngôn ngữ học, có lẽ tôi đã tốt nghiệp một cách nhẹ nhàng rồi cũng nên.
Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác thì chính cái nghề không được ưa chuộng vào thời đó là ngành thú y lại đưa tôi vào một lĩnh vực mà tôi có thể đi sâu vào tìm hiểu và nghiên cứu. Nếu lúc đầu tôi chọn lĩnh vực khác, có lẽ tôi đã không đạt được giải Nobel.
Trong khi nghiên cứu về thú y, tôi gặp phải một số bế tắc mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải. Đó là khi bạn đạt đến một giới hạn nhất định, nhưng bạn lại không thể vượt qua. Thường là do công nghệ hay những sáng chế chưa được phát minh để đáp ứng nhu cầu của bạn.
Có thể trong quá trình tìm kiếm, bạn không tìm thấy cái bạn cần, nhưng bạn lại tình cờ phát hiện ra một điều khác mà có lẽ bạn sẽ chẳng bao giờ gặp được nếu bạn không có cuộc tìm kiếm ban đầu. Đề tài chúng tôi đoạt giải Nobel cũng xuất hiện tình cờ như thế. Số là chúng tôi chuẩn bị một công trình nghiên cứu về một chủ đề nọ, nhưng trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi lại phát hiện ra một điều khác. Kết quả vừa tìm thấy đó tuy không đúng như sự suy đoán ban đầu nhưng lại thú vị đến mức chúng tôi lao vào nghiên cứu một cách say mê. Chúng tôi đi theo hướng mới này trong vài năm. Kết quả nó trở thành công trình đoạt giải Nobel.
Tất nhiên trong quá trình nghiên cứu cũng xảy ra một vài trục trặc. Nhưng chúng tôi đã kịp thời khắc phục, và cuối cùng đã công bố được những khám phá quan trọng của mình. Lúc đầu, mọi người không hiểu vấn đề. Sau khi hiểu ra, họ đã công nhận kết quả của chúng tôi. Và sự kiện này đã làm thay đổi toàn bộ quan điểm của ngành miễn dịch học.
Chúng tôi đưa ra một thuyết mới xung quanh vấn đề này. Nhưng phải mất một thời gian dài để chứng minh lý thuyết đúng, bởi vào thời điểm đó, kỹ thuật mới chưa phát triển kịp. Hầu hết các công trình nhằm chứng minh cho lý thuyết của chúng tôi được tiến hành bởi những nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau.
Có một điều chắc chắn là nếu bạn đang thử nghiệm những điều mới mẻ, những điều trước đây chưa từng tồn tại, chưa được ai thực hiện, thì phần lớn những thử nghiệm của bạn đều không mang lại kết quả gì. Vì thế, bất kỳ ai khi tham gia nghiên cứu đều phải bền chí, kiên gan. Thường thì bạn sẽ gặp thất bại về mặt kỹ thuật hoặc quy trình. Hoặc kết quả đúng với mục tiêu ban đầu đặt ra, nhưng chúng lại chẳng có gì thú vị như bạn đã kỳ vọng. Tất cả các nhà khoa học đều phải đương đầu với điều này, có lẽ vì thế mà điềm tĩnh và kiên trì là một phần tính cách không thể thiếu của các nhà nghiên cứu khoa học. Để có được một thành công, trước đó những nhà khoa học cũng không ít lần nếm mùi thất bại. Do vậy, hai từ “thất bại” trở nên rất quen thuộc với họ. Trong khi hầu hết những người khác trong xã hội đều đi theo một quy trình dẫn đến kết quả có thể đoán biết trước thì các nhà nghiên cứu không như vậy. Bởi nếu chúng tôi cũng giống như những người khác, biết trước kết quả, thì chúng tôi không phải là những người có khả năng phát minh hay sáng tạo.
Tuy giải Nobel là phần thưởng tuyệt vời công nhận thành quả lao động của chúng tôi, nhưng tôi không xem đó là thành công lớn nhất. Với tôi, thành công vĩ đại nhất chính là những trải nghiệm giúp tôi khám phá thế giới và giải Nobel chỉ là hình thức công nhận những khám phá mà thôi.
Nguồn: Vượt lên chính mình 2 - First News và NXB Tổng hợp TP.HCM

Bill Walton
“Người biết học hỏi từ thất bại là người thật sự có năng lực.”

Là một trong những cầu thủ có nhiều thành công vang dội trong môn bóng rổ nước Mỹ, William Theodore Walton đã giúp trường Đại học California Los Angeles (UCLA) hai lần giành được danh hiệu của NCAA (Hiệp hội Thể thao các trường đại học toàn quốc), và lập kỷ lục khi thắng liền một mạch 88 trận.
Ngoài ra anh đã ba lần nhận được giải thưởng “Cầu thủ giỏi nhất trong năm” do NCAA bình chọn, ba lần đoạt danh hiệu “Cầu thủ của các trường đại học Hoa Kỳ”, là người thắng cuộc trong giải “Sullivan” dành cho cầu thủ bóng rổ không chuyên vào năm 1973.
Không chỉ thế, khi là vận động viên chuyên nghiệp, anh đã dẫn dắt đội Portland Trailblazers đạt được danh hiệu NBA, vinh dự đứng vào hàng ngũ những vận động viên sáng giá nhất năm 1978. Năm 1997, William Theodore Walton được bình chọn là một trong 50 vận động viên vĩ đại nhất qua mọi thời đại. Ngày nay, Walton là một trong những nhà bình luận thể thao có uy tín nhất trên các kênh truyền hình. Và đằng sau những thành tựu rực rỡ như thế, bạn có biết Walton đã trải qua những gì hay không?
Tật nói lắp đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời tôi. Tôi luôn gặp phải khó khăn khi giao tiếp bằng lời nói. Tôi không thể diễn đạt những suy nghĩ của mình một cách bình thường như bao nhiêu người khác. Tôi cảm thấy xấu hổ về tật nói lắp của mình và điều đó làm cho chứng nói lắp ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Giống như một cơn ác mộng luôn ám ảnh trong tôi, nó khiến tôi thiếu tự tin và không tài nào đọc được cho mãi đến năm 28 tuổi.
Trong suốt thời gian đó, bóng rổ là nơi trú ngụ an toàn, là niềm an ủi cho những khiếm khuyết của tôi. Cũng có thể ví von nó như một tín ngưỡng của tôi. Từ nhỏ, tôi đã chơi bóng trong khuôn viên nhà thờ, cạnh nhà tôi. Tôi gởi tất cả niềm say mê của mình vào môn bóng rổ. Đó cũng là cách tôi trốn tránh việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp với mọi người. Tôi chơi bóng rổ rất khá và nghĩ rằng thế là tôi có thể quên đi những điểm yếu của mình. Tôi quyết tâm trở thành một vận động viên bóng rổ xuất sắc và nỗ lực hết mình để thực hiện mục tiêu đó.
Mãi sau này, khi tôi phải chia tay với môn bóng rổ vì những chấn thương nặng đến mức không thể chơi bóng được nữa, tôi mới biết cuộc sống có những con đường rộng lớn hơn chứ không chỉ gói gọn trong sân bóng. Nhưng trước đó, rõ ràng đội bóng rổ của trường Đại học California Los Angeles là tất cả đối với tôi. Chúng tôi nghĩ mình là những con người tuyệt vời, là cầu thủ bóng rổ của toàn nước Mỹ bởi đã thắng 88 trận liên tiếp. Thế nhưng hầu như mỗi ngày, huấn luyện viên John Wooden đều nói với chúng tôi rằng, bóng rổ không phải là tất cả. Lúc đó, chúng tôi đều cho những điều ông ấy nói thật là điên rồ.
Nhưng dần dần chúng tôi hiểu ra rằng, ẩn sau những bài học về chiến thuật khô khan của ông là bài học sâu sắc về cuộc sống. Ông mong muốn chúng tôi trở thành những người thực sự có ích cho xã hội chứ không chỉ đơn thuần là một vận động viên bóng rổ với mục tiêu là ghi được nhiều bàn thắng.
Khi tôi gia nhập đội Portland Trailblazers, những khái niệm như lòng tin vào đồng đội, sự tự tin, lòng trung thành, tình bạn, tinh thần tập thể, tất cả các yếu tố góp phần tạo nên sự vững mạnh của một đội bóng mà huấn luyện viên John Wooden truyền đạt đều bị đảo lộn. Lầu đầu tiên trong đời, tôi gặp phải một đội hình không có lấy một chút tinh thần tập thể mà chỉ có sự ích kỷ, hung hãn và những kẻ lắm tiền. Tôi không thể tưởng tượng được cuộc sống của mình lại đổi thay như thế, và cũng không thể hòa mình vào môi trường ấy.
Rồi tình hình cũng được chuyển biến khi ông Jack Ramsey đảm nhiệm vai trò huấn luyện viên. Nhưng thời hoàng kim đó chỉ kéo dài được khoảng một năm và kết thúc nửa năm trước khi vết chấn thương ở chân tôi tái phát. Đó là vết chấn thương kinh niên nhưng tôi lại bị cáo buộc là giả bệnh để nghỉ thi đấu. Điều này làm tôi thật sự thấy khủng hoảng và mất niềm tin vào tất cả.
Những thương tổn tôi phải chịu đựng khi theo đuổi nghiệp bóng rổ đã tàn phá sức khỏe tôi nghiêm trọng. Tôi không biết điều gì đang đợi mình phía trước. Bác sĩ bảo rằng tôi có vấn đề về tinh thần, họ cho tôi đi thôi miên rồi chuyển tôi đến chuyên gia tâm lý để chữa trị chứng mất niềm tin.
Lúc này tôi không thể chạy, thậm chí đi cũng không xong, bởi tổn thương không chỉ nằm trong tâm trí tôi. Vì chơi bóng rổ quá nhiều, tôi bị kiệt sức. Tôi phải dùng một liều lớn Xylocaine - một loại thuốc giảm đau. Sau đó tôi xuất viện và tiếp tục thi đấu. Thế là chẳng bao lâu xương chân tôi bị nứt làm đôi.
Khi được chuyển đến đội Clippers ở thành phố San Diego, tôi đang trong tình trạng không thể thi đấu. Hễ gắng chơi bao nhiêu là sức khỏe tôi lại sa sút bấy nhiêu. Tôi ngưng không chơi một thời gian thì tình trạng sức khỏe chuyển biến tốt hơn. Thấy thế, tôi chơi bóng rổ lại và hậu quả là... suýt bị gãy chân.
Sau đó, tôi đầu quân cho đội Boston Celtics, nơi hai cầu thủ huyền thoại Red Auerbach và Larry Bird đã giúp tôi tìm lại vinh quang nghề nghiệp và lẽ sống của mình. Đến tận lúc đó, bóng rổ vẫn là tất cả của đời tôi. Tôi hăng say tập luyện để có thể trở thành vận động viên giỏi nhất.
Nhưng bệnh tật vẫn luôn đeo bám tôi dai dẳng. Ngày 15 tháng 3 năm 1990, các bác sĩ mổ mắt cá chân tôi và cho biết tôi phải vĩnh viễn giã từ môn bóng rổ. Tôi không còn được chạy nhảy hò la trong sân bóng nữa. Không bao giờ còn được cảm nhận làn gió thổi xuyên qua tóc và sự ngọt ngào khi chìm đắm trong men say chiến thắng. Và cũng không bao giờ có cơ hội được thúc khuỷu tay vào mạng sườn của đồng đội rồi lao vào tiếp tục chiến đấu. Như một giấc mơ, tất cả đã kết thúc với tôi. Tôi thực sự cảm thấy lo sợ, sợ cái chết đến bất thần không cho tôi cơ hội khám phá những điều mới mẻ đang chờ phía trước.
Nỗi đau về thể xác cũng qua đi đồng thời tinh thần tôi cũng lắng dịu những cảm xúc bi quan, chán chường. Tôi chợt nhớ đến lời dạy của thầy John Wooden, không phải chỉ với bóng rổ chúng tôi mới có thể cống hiến cho xã hội. Có thể bóng rổ là một quãng đời đầy vinh quang của tôi, nhưng nó không phải là tất cả, tôi vẫn có thể thành công trong những lĩnh vực khác. Kỳ lạ thay, đó lại chính là lĩnh vực nghề nghiệp sử dụng kỹ năng mà tôi kém cỏi nhất.
Năm 28 tuổi, tôi tình cờ gặp Marty Glickman, phát thanh viên của “Nhà kỷ niệm những cầu thủ bóng rổ nổi tiếng”. Trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi đó, (nói đúng hơn là Marty nói còn tôi thì chỉ biết nghe), Marty giải thích cho tôi một cách ân cần và súc tích rằng trò chuyện hay giao tiếp với người khác là một kỹ năng. Điều đó cũng giống tất cả những kỹ năng khác như thể thao, âm nhạc, kinh doanh... đòi hỏi bạn phải trải qua quá trình rèn luyện lâu dài, thậm chí cả đời, bằng sự kiên trì, gian khổ cùng những kỷ luật khắt khe.
Marty chỉ cho tôi một số mẹo và khuyến khích tôi áp dụng vào những bài học mà tôi đã từng được dạy trước đây, đặc biệt là từ sáu huấn luyện viên bóng rổ được lưu danh tại “Nhà kỷ niệm những cầu thủ bóng rổ nổi tiếng”. Sự khởi đầu cuộc đời mới của tôi đơn giản như vậy đó.
Ở đây chẳng có một thủ thuật, bí quyết, hay một biện pháp cấp thời nào mà chỉ là vấn đề nhận thức, rằng với một ít hướng dẫn và giúp đỡ của người khác, cộng với sự cố gắng nỗ lực của bản thân, thì tôi sẽ làm được những điều mà người khác làm được. Sau một thời gian luyện tập, từ một người hoàn toàn không thể nói năng lưu loát, dù chỉ là một lời cảm ơn, tôi trở thành người tường thuật các chương trình thể thao truyền hình và có khả năng diễn thuyết trước công chúng.
Nếu người khác có thể làm được tại sao tôi lại không? Hãy tiến tới phía trước và đừng sợ phải thất bại. Khi bạn vấp ngã, chớ vội thoái lui, hãy làm lại từ đầu. Hãy tìm ra bước chạy của bạn, nhịp điệu của bạn và trận đấu của bạn. Không ai không mắc sai lầm. Những gì ta làm sau khi đã mắc sai lầm sẽ quyết định thành công của ta sau này. Số lần phạm lỗi khi thực hiện một pha bóng chứng tỏ ta là một cầu thủ từng trải như thế nào, như một câu nói chúng tôi thường dùng trong bóng rổ, đại ý nếu bạn không đủ kiên định, bạn chẳng thể ghi bàn.
Giờ đây tôi nhận thấy rằng hình như những gì diễn ra trong một đội bóng cũng sẽ diễn ra trong đời thường. Các yếu tố cần cho một đội bóng từ việc chuẩn bị đến hình thành, đào tạo được một cầu thủ bóng rổ... tất cả đều thể hiện rõ nét trong từng bước đi của cuộc sống. Và những bài học của huấn luyện viên Wooden trở nên vô cùng hữu ích, nhất là khi tôi trực tiếp đối diện với những rắc rối và rủi ro trong cuộc sống của mình.
Mẹ thường trêu tôi, những ai từng quen biết chú bé Bill Walton tóc đỏ, da đốm tàn nhang với tật nói lắp, nay nếu có dịp ngồi cạnh anh ấy, họ lại tưởng mình đang ngồi cạnh những nhân vật như Dick Enberg, Bob Costas, Greg Gumbel và Marv Albert (các bình luận viên thể thao nổi tiếng của Hoa Kỳ) trên các kênh truyền hình quốc gia.
Giờ đây, cuộc sống của tôi đã được tô điểm bởi những sắc màu tươi tắn hơn, tôi trở nên vui vẻ và linh hoạt hẳn, như thể chưa từng chịu đựng những nỗi đau, hay sự ám ảnh của tật nói lắp trước đó. Cuộc sống thật kỳ diệu biết bao, nếu chúng ta yêu cuộc sống hết mình, chúng ta sẽ tìm thấy ở đó cả niềm vui lẫn hạnh phúc.
Tôi luôn cố gắng làm những gì tôi chưa biết và nhờ đó, tôi có thể làm được những điều tưởng như ngoài khả năng của mình.
Pablo Picasso
Nghịch cảnh là thước đo giá trị của một con người. Tôi trở nên mạnh mẽ hơn sau những khủng hoảng trong cuộc sống.
Lou Holtz
Thành công có nghĩa là thoát khỏi những nếp nghĩ cũ kỹ và chọn cho mình một hướng đi độc lập.
Keith DeGreen
Nhiều người trong chúng ta từng lớn lên với suy nghĩ: lầm lỗi là một điều tồi tệ và phạm sai lầm là biểu hiện cơ bản của sự thiếu năng lực. Lối suy nghĩ tiêu cực đó có thể tạo ra những định kiến hẹp hòi làm hủy hoại cả quá trình học hỏi của bản thân mỗi người. Để có thể đạt hiệu quả tối đa, bạn hãy luôn tự hỏi: “Làm thế nào để có thể rút tỉa được những bài học kinh nghiệm từ những sai lầm đã mắc phải?”.
Trích từ Lessons from the Art of Juggling của Michael Gelb và Tony Buzan
Nguồn: Vượt lên chính mình 2 - First News và NXB Tổng hợp TP.HCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét