Kathy Buckley
"Cuộc đời luôn có những gian nan để thử thách khả năng chịu đựng và tính kiên trì của bạn."
Ngoài ra, cô cũng từng được trao giải “American Hero” của Tổ chức The City of Hope và The Toastmasters International Communication, và giải “Leadership”.
Nếu tình cờ gặp Kathy, bạn sẽ thấy đó là một cô gái vui tươi, tràn đầy sức sống, nhưng có một điều bạn không thể nhận ra đó là cô bị khiếm thính. Với khiếm khuyết của bản thân, Kathy đã trải qua một tuổi thơ đầy bất hạnh. Nhưng cô ấy đã vượt qua chính mình như thế nào, bạn có biết không?
Tôi bị khiếm thính nặng, vì vậy các thầy cô giáo gặp nhiều khó khăn trước tình trạng của tôi. Hàng năm, họ kiểm tra tôi bằng cách cho tôi xem những vết mực, và yêu cầu tôi trả lời câu hỏi: "Kathy này, cháu thấy những vết mực này trông như thế nào?". "Chúng trông như có ai đó đã đổ vấy khắp tờ giấy phải không?". Chỉ vậy thôi, mà tôi trả lời cũng không xong. Từ năm này sang năm khác, người ta kết luận tôi mắc chứng này, chứng nọ mà chẳng ai cho tôi lấy một lời an ủi. Từ nhỏ, tôi đã được dạy phải tôn trọng người lớn, vì thế tôi tin những gì họ nói về mình: lầm lì, ngốc nghếch, chậm phát triển. Nỗi tuyệt vọng trong tôi ngày một lớn.
Năm học lớp chín, tôi đã cao tới 1m68 nhưng học lực chỉ tương đương với trình độ lớp sáu. Cũng giống như người ta cố gắng dạy cho người mù biết đọc chữ Braile (chữ nổi) bằng một cuốn sách bình thường, các giáo viên đã dạy tôi tập đọc bằng cách nghe - trong khi tôi có nghe được gì đâu! Vì vậy mà tôi chẳng tiến bộ được chút nào. Dần dần họ đâm chán khi phải nhọc công vì một học sinh đần như tôi, và bỏ mặc tôi luôn.
Từ đó, tôi giấu nhẹm khuyết điểm của mình bởi sợ người khác phân biệt đối xử. Tôi không muốn chấp nhận sự thật là mình bị điếc. Thực tế, tôi có thể hiểu thông qua cách nhép môi của người nói, nhưng thầy cô và các bạn cùng lớp nói nhanh quá, tôi không sao theo kịp nên không có cách nào để tiếp nhận thông tin. Đó là lý do vì sao ngày nay tôi kiên quyết đấu tranh vì nền giáo dục dành cho người khiếm thính.
Lần đầu tiên tôi đeo máy trợ thính là vào năm lên 8 tuổi. Nhưng đâu chỉ là Nghe. Quan trọng là chuyện Hiểu. Từ nhỏ tôi không thể nghe như những đứa trẻ bình thường khác nên vốn từ vựng của tôi lúc bấy giờ không đủ để hiểu những gì người khác nói. Do vậy lúc đó tôi nhận thấy việc đeo dụng cụ trợ thính cũng chẳng giải quyết được gì nên đã ngưng sử dụng nó trong 3 năm, và không mua thêm cái nào khác trong suốt 20 năm sau đó. Mặc dù có khá nhiều bạn bè, nhưng nỗi mặc cảm về sự khiếm khuyết của đôi tai khiến tôi luôn sống khép mình. Những khi rơi vào trạng thái như thế, người ta thường có xu hướng tìm đến rượu và ma túy để quên đi thực tại. Nhưng may mắn là tôi không rơi vào con đường đó.
Tôi tốt nghiệp trung học với điểm số trung bình 1,9, một kết quả kém đến mức không thể chấp nhận được. Nhưng tôi quyết không bỏ cuộc. Là một người khuyết tật, tôi càng phải kiên gan hơn những người bình thường. Thế nhưng, những chuyện không may vẫn tiếp tục đeo bám tôi. Ngày nọ, lúc tôi đang nằm tắm nắng trên cát ở bãi biển Santa Monica, vì không nghe được tiếng động cơ xe jeep cứu hộ đến gần nên nó đã cán qua người tôi. Tim tôi ngừng đập trong giây lát. Hồi sinh sau khoảnh khắc kinh hoàng đó, cuộc đời tôi dường như thay đổi hẳn. Cảm giác được sinh ra lần thứ hai khiến lòng tôi tràn ngập tình yêu cuộc sống, cái cảm giác mà trước đây tôi chưa từng có. Tôi tin có một sức mạnh bí ẩn nào đó âm thầm che chở cho mình, và thế giới xung quanh luôn ẩn chứa những điều kỳ diệu. Niềm tin đó như tiếp thêm cho tôi nghị lực để sinh tồn.
Tôi hiểu rằng, những gì mình có được hôm nay, một phần là nhờ những thất bại và đau khổ trước kia tạo nên. Nếu ngày đó gia đình kiên quyết đưa tôi vào trường dành cho người khiếm thính, không biết giờ đây cuộc đời tôi sẽ xuôi theo hướng nào. Nhưng tôi chắc chắn một điều, trong giới diễn thuyết sẽ không tồn tại cái tên Kathy Buckley. Để có thể hòa nhập cùng mọi người, tôi phải tìm mọi cách thích ứng với môi trường học tập bình thường. Dần dần tôi trở nên mạnh mẽ hơn. Vì bị điếc nên tôi tập trung "nghe" thông qua cách người ta thể hiện hơn là những điều họ thực sự nói. Đó cũng là một lợi thế của tôi sau này, bởi ngôn từ có thể dối trá, nhưng cử chỉ thì không.
Do từng trải qua một tuổi thơ bất hạnh, nên tôi dành hầu hết thời gian để thực hiện những hài kịch, bài diễn thuyết có nội dung khích lệ trẻ em, đặc biệt là những em có hoàn cảnh không may. Tôi cho rằng không nên đánh giá một đứa trẻ chỉ bằng một bài trắc nghiệm đơn giản nào đó. Thầy cô giáo và các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn đến trẻ để lắng nghe những suy nghĩ của chúng, tạo điều kiện để trẻ thể hiện cảm xúc của mình bằng những câu hỏi đại loại như: "Con đang nghĩ gì thế?", "Điều gì làm con cảm thấy hạnh phúc nhất?" và "Điều gì khiến con buồn?"... Thế giới tuổi thơ luôn đầy ắp những điều thú vị, và chỉ khi gần gũi với chúng bạn mới phát hiện ra. Cha mẹ cần lắng nghe con cái để chia sẻ với con những khúc mắc mà chúng đang gặp phải, và cảm nhận những gì diễn ra với chúng. Tôi chắc chắn một điều rằng, bọn trẻ sẽ cảm thấy rất vui sướng và thú vị biết bao nếu nhận được tình cảm ấm áp của những người xung quanh. Điều đó giúp chúng tự tin vào bản thân và hình thành nên cá tính mạnh mẽ sau này.
Kịp thời động viên con trẻ cũng là cách tốt nhất để chúng phát triển khả năng. Khích lệ các em đi sâu vào tìm hiểu những điều khiến chúng say mê và thích thú sẽ khơi nguồn cho tính sáng tạo và độc lập của trẻ. Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên tốt nghiệp loại khá trở lên lại bế tắc trong nghề nghiệp bởi không chịu tìm tòi, học hỏi, mà chỉ răm rắp làm theo những khuôn mẫu có sẵn. Bạn nên hiểu rằng, không phải tất cả mọi người đều có học lực ngang nhau mà mỗi người sẽ có những sở trường nhất định. Có thể bạn vượt trội ở môn này nhưng lại làng nhàng ở môn khác, và con bạn cũng vậy. Có thể bạn muốn chơi một loại nhạc cụ nào đấy, nhưng đôi tay lại quá vụng về. Đừng vội nản, hãy nhìn sự việc từ một khía cạnh khác. Không thể trực tiếp chơi nhạc được, bạn có thể chọn trở thành nhà soạn nhạc, nhà sản xuất băng đĩa hoặc một DJ (người chỉnh nhạc trong các vũ trường, bar…) chẳng hạn.
Đừng để cuộc đời mình bị ảnh hưởng bởi những lời nhận xét không hay của một ai đó, mà hãy luôn lắng nghe tiếng nói của trái tim. Nhiều người khẳng định tôi sẽ thất bại với hài kịch, nhưng bạn thấy đấy, tôi giờ đây không chỉ là một diễn viên hài thành công mà còn là một diễn giả được mọi người tin tưởng. Sau những nỗ lực không ngừng, giờ tôi đã có thể tự tin khi nói chuyện với mọi người, và làm cho họ hiểu mình.
Nếu không có gió, chúng ta sẽ phải chèo.
Tục ngữ cổ
Nghịch cảnh cũng tương tự như vùng khí hậu khắc nghiệt. Nó sản sinh ra nhiều hoa thơm, quả lạ.
Walter Scott
Đóa hoa nở trong bão táp luôn là đóa hoa đẹp nhất.
Mulan
Nếu bạn muốn tăng số lần thành công, hãy gia tăng gấp đôi số lần thất bại.
Thomas Watson Sr.
Nguồn: Vượt lên chính mình 2 - First News và NXB Tổng hợp TP.HCM
Venerable Grand Master Hsing Yun
Grand Master Hsing Yun còn chủ trương sáng lập Tổ chức Phật giáo Quốc tế Fo Guang Shan với hơn 5 triệu tín đồ trên khắp thế giới. Tổ chức này hỗ trợ lĩnh vực giáo dục và dịch vụ thông qua hệ thống các trường đại học công lập, thư viện, phòng khám lưu động miễn phí, nhà ở cho trẻ em, nhà dưỡng lão…
Nhiều người cho rằng để thành công trong cuộc sống cũng như nghề nghiệp, chúng ta cần có đủ nguồn lực và những điều kiện cần thiết, cũng giống như cây cối cần ánh nắng mặt trời, không khí trong lành và nguồn nước để lớn lên. Một khi đã hội tụ đủ những yếu tố quan trọng, chúng ta sẽ dễ dàng đạt được các mục tiêu đã đề ra. Ngược lại, chúng ta sẽ không thể tránh khỏi những rắc rối và trở ngại.
Nhưng thực tế đã chứng minh ngược lại, rằng bạn vẫn có thể thành công nếu bạn có đủ nhiệt huyết và tài năng. Những điều kiện tưởng chừng không thuận lợi của ngoại cảnh khi đó đã trở thành động cơ thúc đẩy con người thể hiện bản thân và phát triển mãnh liệt những tiềm năng vốn có. Ví dụ, khi bị bệnh, chúng ta mới nhận thấy sức khỏe là vô cùng quý giá và biết quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn. Hoặc khi sinh ra trong gia đình nghèo khó, trải qua tuổi thơ đầy gian khổ và thiếu thốn, bạn sẽ ý thức hơn về việc cải thiện cuộc sống hiện tại.
Trong thế giới tự nhiên, không phải ngẫu nhiên mà người ta thường ca tụng những bông hoa mận nhỏ bé, không kiêu sa mà cũng chẳng đài các kia. Bởi trong giá lạnh và bão tuyết, có thể những loài hoa khác sẽ bị tan nát tả tơi, nhưng hoa mận thì ngược lại, trời càng lạnh chúng càng tỏa hương thơm ngát. Cũng như hoa mận, cây thông và cây bách cũng được nhiều người ngưỡng mộ, bởi thời tiết càng giá lạnh bao nhiêu, sức sống của chúng càng mãnh liệt bấy nhiêu.
Trong cuộc sống thường ngày, không quá khó để bạn có thể tìm thấy các tấm gương sáng vượt khó. Rất nhiều bạn trẻ tuy xuất thân từ những gia đình nghèo khó nhưng lại học rất xuất sắc, được nhiều trường đại học đón nhận, đã tự mình xoay xở tiền để trang trải học phí và kiếm được việc làm như ý khi ra trường. Và vẫn còn đó nhiều tấm gương người khuyết tật đã vượt lên nghịch cảnh để thành công ở rất nhiều lĩnh vực như văn chương, hội họa và cả ở lĩnh vực thể dục thể thao, đoạt được những tấm huy chương đầy tự hào về ý chí và nghị lực của con người. Hãy thử tưởng tượng, đôi tay bạn là số phận, và cuộc đời bạn là một quả banh. Nếu bạn nhồi quả banh mạnh chừng nào, nó càng nẩy mạnh chừng ấy. Đó là quy luật tất yếu.
Nếu Judas không phản bội Chúa, có lẽ sự thiêng liêng của Ngài sẽ không được bộc lộ rõ ràng như thế. Trên đường đời, khó khăn trở ngại có thể làm chúng ta vấp ngã, nhưng bạn hãy nghĩ rằng nó chính là những phiến đá mà khi đặt chân lên đó, tầm mắt bạn sẽ phóng cao hơn, xa hơn.
Thành công hay thất bại tùy thuộc vào việc chúng ta có vượt qua được thử thách không, có biết cách biến những điều kiện bất lợi thành lợi thế không. Sau giai đoạn xới đất, gieo trồng đầy vất vả, phần thưởng ngọt ngào tất sẽ đến vào mùa thu hoạch.
Người ta dùng lửa để thử vàng, còn cuộc đời tạo ra những gian nan, khổ cực để thử thách khả năng chịu đựng, tính kiên trì và sự nhẫn nhục của bạn. Nếu vượt qua được, thành quả bạn đạt được sau này còn giá trị gấp nhiều lần so với giá trị ban đầu của nó. Không chỉ thế, bạn còn có cơ hội nhận ra được những sức mạnh tiềm ẩn của bản thân.
Con người không phải là thần thánh, vì thế nếu chúng ta có phạm sai lầm cũng là điều rất tự nhiên. Sai lầm chẳng có gì là ghê gớm, nếu bạn sẵn lòng sửa chữa. Những ai ngoan cố không chịu thừa nhận và sửa chữa lỗi lầm của mình, cũng giống như một bức tường được sơn duy nhất màu đen nên không thể phết thêm lên màu khác. Bạn biết mình sai, và chấp nhận sửa chữa. Đó là một đức tính đáng quý. Cho dù có rơi vào bất cứ hoàn cảnh nào, bạn nên mạnh dạn đối đầu với nó và tìm cách vượt qua. Gieo giống tốt, ắt bạn sẽ gặt hái được hoa thơm và trái ngọt.
Đối với những người mắc sai lầm, hãy cho họ cơ hội sửa sai. Thay vì trách móc, chỉ trích hay xem thường, bạn hãy thông cảm, động viên, khích lệ và an ủi họ. Hãy nhiệt tình chỉ bảo họ bằng tình thương và sự bao dung. Chính sự quan tâm của người khác là liều thuốc giúp con người có thêm niềm tin, nghị lực để vượt qua thử thách, vượt qua chính bản thân mình. Nếu trong chúng ta, ai cũng biết quan tâm đến người xung quanh, ắt hẳn cuộc sống này sẽ ngày càng tốt đẹp hơn, xã hội ngày càng phát triển hơn.
Người xưa có câu: "Thất bại là mẹ thành công". Nếu xem thất bại là một bài học, nhất định chúng ta sẽ thành công.
Tôi không chia thế giới ra 2 phe: mạnh hay yếu; thành công hay thất bại… mà tôi chia thành 2 nhóm: những người luôn có tinh thần cầu tiến và những người không bao giờ chịu học hỏi.
Benjamin Barber
Giá trị nằm ở chỗ bạn đã làm thế nào để vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống, chứ không nằm ở chỗ bạn đã đối mặt với nó bao nhiêu lần.
Sonny Hill
Sau giai đoạn xới đất và gieo trồng đầy vất vả, phần thưởng ngọt ngào tất sẽ đến vào mùa thu hoạch.
Venerable Grand Master Hsing Yun
Nguồn: Vượt lên chính mình 2 - First News và NXB Tổng hợp TP.HCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét