Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2010

P10: Vượt Lên Chính Mình - Tập 2



Billy Idol
"Nếu muốn nhận được phần thưởng xứng đáng, bạn phải tranh đấu và chấp nhận mạo hiểm."

Billy Idol và ban nhạc Generation X là một trong những đại diện tiêu biểu của dòng nhạc rock Vương quốc Anh. Khi nhạc rock bước vào giai đoạn thoái trào, Idol đến Hoa Kỳ và bắt đầu sự nghiệp hát solo, anh tung ra một loạt album được xếp hạng hit như Dancing with Myself, White Wedding, và Eyes Without a Face.
Bạn có muốn biết bí quyết thành công của Billy Idol là gì không? Đó không chỉ nhờ vào phong cách biểu diễn độc đáo và sự nổi tiếng trước đây, mà còn là thái độ lạc quan trước những bế tắc trong cuộc sống.
Ở trường, không có bất cứ môn học nào làm tôi thực sự say mê, ngoại trừ môn lịch sử. Tôi có thể nhớ chính xác từng cột mốc ngày tháng và những trận chiến. Đặc biệt, việc tìm tiểu sử của các nhân vật nổi tiếng luôn gây cho tôi sự hứng thú lạ kỳ. Tôi ghét học môn hóa, ghét luôn việc làm thí nghiệm và cả những mẩu giấy quỳ. Tôi từng trả lời với giáo viên môn vật lý: "Em không muốn cố gắng", khi thầy động viên rằng học lực của tôi sẽ khá hơn nếu tôi chịu cố gắng.
Sau đó, gia đình tôi chuyển đến Luân Đôn, và tôi học trong một lớp toàn những học sinh không biết đọc. Đã vậy, giáo viên chẳng buồn ngó ngàng, quan tâm gì đến học sinh. Trước kia, tôi đã quá ngán ngẩm với việc học tập, giờ càng chán ngán bội phần khi ở trong môi trường học tập như thế. Tuy vậy, tôi vẫn không từ bỏ con đường học vấn và thi vào đại học, bởi tôi không muốn ra đời sớm.
Nhiều người cho rằng tốt nhất là nên làm việc cho cha mình nếu gia đình có cơ sở kinh doanh riêng, hoặc là làm thầy giáo. Thời đó, bạn muốn làm giáo viên cũng khó, vì không có nhiều trường để bạn xin đi dạy. Cách thứ hai không khả thi, vì thành thật mà nói, cha tôi rất khó tính và nghiêm khắc. Tôi không thể chịu nổi những nguyên tắc đầy tính răn đe của cha, dù tôi rất thương ông. Sau nhiều lần đắn đo, tôi nghĩ cách duy nhất để tôi vẫn yêu quý cha là sẽ không làm việc cho ông.
Từ nhỏ, tôi đã mơ ước được là thành viên trong các ban nhạc Rock and Roll, nhưng tôi vẫn giữ kín hoài bão của mình. Bởi nếu tôi có nói ra cũng vô ích, đời nào cha chịu mua cho tôi cây guitar điện, ông sợ điều đó sẽ làm tôi thêm hư hỏng. Chỉ riêng bộ dạng của tôi với mái tóc để dài, mang đồ trang sức đầy mình, giao du với nhiều bạn bè, đam mê âm nhạc... đã đủ làm ông thất vọng. May thay, năm tôi lên bảy, ông nội đã tặng cho tôi một chiếc trống có dây của Ringo Starr và khi tôi lên mười, ông cho tôi sở hữu một chiếc guitar. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ để tôi bắt đầu "sự nghiệp ca hát". Tôi tìm được 2 - 3 đứa bạn chung sở thích, và chúng tôi rủ nhau đến một ngôi trường khác cách đó khoảng hơn 3km để thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc, bởi ở đây học sinh có vẻ chịu chơi hơn. David Bowie và Peter Frampton cũng là học sinh của trường này.
Giai đoạn đó, tại các thành phố lớn ở Anh, đi bất cứ đâu bạn cũng có thể bắt gặp những nhóm choai choai "điên khùng" như chúng tôi. Việc làm không đủ cho mọi người, vì vậy nhiều đứa trẻ đã bỏ học ra ngoài kiếm việc để được hưởng trợ cấp từ chính phủ. Bầu không khí ảm đạm bao trùm lên hiện tại, và tương lai thì mù mịt. Sự chán nản, thất vọng lộ rõ trên gương mặt từng người ở những nơi tôi đi qua. Chính hoàn cảnh xã hội lúc đó đã trở thành khẩu hiệu của phong trào nhạc rock "Không có tương lai! Chúng tôi chán nản!".
Năm 1974, tôi học xong năm nhất đại học và về nhà nghỉ hè. Khi đó phong trào để tóc dài đã lỗi thời, tôi chuyển sang cắt ngắn rồi nhuộm đen. Tôi bắt chước David Bowie và phong cách nhạc pop. Nhìn hình ảnh mới của con trai, cha mẹ nghĩ tôi đã bình thường trở lại. Nhưng không lâu sau, tôi lại tiếp tục làm cho họ bị sốc thêm lần nữa khi tuyên bố mình sẽ nghỉ học và gia nhập nhóm nhạc rock. Cha tôi dường như không tin những điều mình vừa nghe, ông quát to: "Sau đó mày sẽ làm gì? Suốt đời mày sẽ chẳng thể kiếm được công việc nào cho ra hồn, bởi vì người ta sẽ thắc mắc mày đã làm gì suốt thời gian trước đó". Đáng buồn là cha tôi đã nói đúng. Bất kỳ nhà tuyển dụng nào sau này biết tôi đã từng tham gia nhóm nhạc rock đều phản ứng theo kiểu: "Được rồi anh bạn. Chúng tôi thích chọn những sinh viên tốt nghiệp đại học hoặc những ai không có mái tóc kỳ quặc như cậu". Suốt 2 năm sau đó, cha con tôi đã không nói với nhau lấy nửa lời.
Tôi rơi vào tình trạng bế tắc, nhưng tôi không cho rằng mình đi nhầm đường và vẫn tiếp tục theo đuổi ước mơ. Tuy thỉnh thoảng tôi cũng cảm thấy hoang mang đôi chút, vì ai ai cũng cho rằng những gì tôi đang làm rốt cuộc cũng sẽ chẳng đến đâu. Tôi cũng nhìn thấy nhiều kết cục thất bại, chứng kiến bao nhiêu ước mơ tan vỡ, nhiều ban nhạc rã đám và các thành viên phải lái taxi kiếm sống.
Lúc đó, tôi đang tham gia nhóm The Who. Mỗi thứ Bảy chúng tôi chơi nhạc dance. Chúng tôi khai thác nhiều bài hát từ những thập niên 60, chẳng hạn như “We Gotta Get Out Of This Place”. Đó là cách khởi đầu của nhiều ban nhạc rock. Bắt đầu từ những điều bình dị, sau đó pha trộn thành một tạp chất nhiều màu, nhiều vị. Ban nhạc của chúng tôi ngoài những yếu tố trên còn thêm vào đó ít nhiều sự cuồng nộ mà các ban nhạc rock khác không có.
Thời điểm ấy, Malcolm McLaren vừa quản lý nhóm The Sex Pistols, vừa là ông chủ một cửa hiệu bán quần áo thời trang. Và cửa hiệu này thường dùng các ban nhạc để quảng bá hình ảnh của mình. Với cách này, họ sẽ lôi kéo những người trẻ, các fan hâm mộ đến với cửa hiệu. Đối thủ cạnh tranh trực tiếp của cửa hiệu này là Acme Attractions.
Acme cũng muốn thành lập ban nhạc để quảng bá cho cửa hiệu của mình. Ông ta mời tôi đến để thu âm thử. Trong phòng chờ, ngoài tôi ra còn có hai tay guitar khác nữa, nhìn qua biết ngay dân rock and roll. Nhìn lại cách ăn vận của mình, tôi trông như anh chàng tỉnh lẻ quê mùa. Hai người này đã từng tham gia nhiều ban nhạc khác nhau. Còn tôi lúc này chỉ mới ký được một hợp đồng biểu diễn và thậm chí chưa được nhận tiền công. Họ nhìn tôi và nở nụ cười lộ rõ vẻ chế giễu, điều đó khiến tôi cảm thấy lúng túng. Bước vào phòng thu, tôi cố gắng thể hiện khả năng của mình một cách tự nhiên. Acme nhận xét khả năng biểu diễn của tôi không khá lắm, nhưng bù lại tôi có nhiệt huyết và niềm đam mê. Năm phút sau, Acme thông báo tôi được ký hợp đồng và từ chối hai anh chàng nọ. Thật không thể diễn tả hết cảm xúc của tôi lúc đó, tôi cảm thấy sung sướng đến tột cùng, tưởng chừng không còn gì có thể làm tôi hạnh phúc hơn.
Công việc của tôi không chỉ đơn giản là biểu diễn trong một ban nhạc nào đó, khuyếch trương tên tuổi của một nhãn hiệu nào đó, mà nó còn có sự tác động lên cộng đồng. Chelsea, sau đó là Generation X, là những cuộc chinh phục mà tôi sẽ theo đuổi. Đối với những ban nhạc công kích lối sống và những công việc buồn tẻ, tương lai họ xem ra không mấy sáng sủa. Dường như cố tình làm cho mọi việc thêm tồi tệ, nhóm The Sex Pistol quậy phá tưng bừng qua những nơi họ đến lưu diễn. Chẳng mấy chốc, các nhóm nhạc rock đều bị cấm biểu diễn, vì thế chúng tôi rút về Soho, lập câu lạc bộ cho riêng mình. Câu lạc bộ nhanh chóng lớn mạnh với 500 thành viên, trong khi khuôn viên chỉ đủ sức chứa 200 chỗ ngồi. Thấy chúng tôi ngày càng phát triển, các câu lạc bộ khác tìm cách ngăn cản chúng tôi quảng bá. Mặc dù vậy, họ thừa biết chúng tôi cũng sẽ có cách thoát khỏi tình trạng đó. Danh tiếng chúng tôi ngày càng vang xa, và rồi ai cũng muốn ký hợp đồng với chúng tôi. Kể từ đó, dòng nhạc rock bùng nổ khắp nơi.
Dù nhận được rất nhiều lời mời ký hợp đồng, nhưng chúng tôi chưa vội đồng ý. Thế là giá trị các hợp đồng mời chào cứ tăng lên, từ 10.000 lên đến một triệu bảng Anh, lúc đó chúng tôi mới đặt bút ký.
Chúng tôi cũng khá thành công trong việc tiêu thụ những đĩa nhạc của mình. Đang trên đà thành công, đến năm 1980, chúng tôi gặp rắc rối với người quản lý và buộc phải đổi tên nhóm thành GENX. Vụ việc này đã khiến sự nghiệp chúng tôi xuống dốc, album mới ra đời nhưng chẳng ai mua. Thời hoàng kim kết thúc, nhóm chúng tôi tan rã.
Năm 1982, tôi đến New York, đổi tên từ Idle thành Idol. Nhưng các nhóm nhạc rock không còn thu hút khán thính giả như trước. Nhóm The Ramones vật vã để tồn tại. Ngay cả nhóm Blondie cũng giải tán. Mọi thứ đều trở nên u ám, kể cả sự nghiệp của tôi.
Ròng rã sáu tháng trời, tôi không thể sáng tác được ca khúc nào, không giao du với ai. Tôi nhớ lại lời cha nói và thấy rằng cha mẹ tôi đã đúng khi dự đoán về tương lai của tôi.
Đêm nọ, lúc lang thang một mình trong một quán bar ở New York, tôi được chứng kiến một cảnh tượng thật thú vị. Khi những giai điệu sôi động của bản “Dancing with Myself” vang lên, tất cả những thanh thiếu niên xô bàn ghế ra sàn nhảy. Họ nhảy nhót thật sôi nổi. Trước khung cảnh nhộn nhịp đó, tôi hiểu mình cần phải làm gì. Tôi sẽ tạo nên một Generation X thứ hai, nhưng theo phong cách của tôi. Tôi sẽ tiếp tục đeo đuổi đến cùng những gì tôi đã lựa chọn.
Tôi hoàn tất bản “Mony, Mony” và đưa cho người quản lý xem. Ai cũng đồng tình ủng hộ. Bản nhạc mới được thu âm vỏn vẹn chỉ trong hai tuần tại L.A. Sau đó, tôi đến quán bar hôm trước ở New York và đưa đĩa nhạc cho một DJ. Nếu như vài phút trước sàn nhảy khá im ắng, thì khi bản “Mony, Mony” nổi lên, sàn nhảy chật cứng người.
Tôi cảm thấy hạnh phúc và an ủi phần nào khi trong những lúc bi đát nhất của sự nghiệp, vẫn có một số người đặt niềm tin nơi tôi. Điều đó giữ cho tinh thần tôi luôn vững vàng, cho đến khi tôi tìm lại sự tự tin vốn có. Chẳng bao lâu, những ca khúc của tôi được phát sóng trên MTV và cả trên đài phát thanh nữa. Bốn năm sau khi đến Mỹ, tôi đã có được một album được sắp hạng top ten. Và bây giờ, tôi được mọi người chính thức công nhận là nghệ sĩ dòng nhạc rock chủ đạo. Ngay cả cha tôi cũng đến thăm và chúc mừng tôi.
Sau những thăng trầm của đời mình tôi nhận ra một điều rằng, những thất bại có lúc tưởng chừng làm tiêu tan sự nghiệp của tôi lại là một động lực thúc đẩy tôi vươn tới. Dù cho trường lớp và các môn học có làm tôi chán ngán và buồn tẻ, nhưng chính chúng đã dọn đường cho tôi đến với âm nhạc và thành công như ngày nay. Nếu tôi không gặp những trục trặc trên cuộc hành trình của mình, có lẽ mãi mãi tôi sẽ không bao giờ có được những trải nghiệm quý giá.
Tôi có một niềm tin mãnh liệt vào dòng nhạc mình đang theo đuổi. Nếu không can đảm và quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình, có thể giờ đây tôi đã trở thành một nhân viên gương mẫu như mong muốn của cha, ngồi sau chiếc bàn giấy và ghi hóa đơn bán hàng hết ngày này qua ngày khác. Tôi không hối hận khi chọn cho mình một lối sống mà ở đó, khi vượt qua được những cay đắng, tôi có thể tận hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc.
Nếu cuộc sống không cho bạn những giấc mơ, bạn hãy làm nên giấc mơ của mình. Nếu không tin vào việc bạn đang làm, hãy dừng lại và tập trung vào những việc bạn thực sự có niềm tin.
Người ta thường gặp thất bại vì làm việc không có mục đích chứ không phải vì họ thiếu khôn ngoan.
Billy Sunday
Những lúc rơi vào tình huống khó khăn, tôi mới có cơ hội mở mang tầm mắt và trải rộng lòng mình.
Myla Kabat-Zinn
Đừng bao giờ từ bỏ những việc bạn thực sự muốn làm. Nơi nào có tình yêu và sự hứng khởi, nơi đó không có chỗ cho những thất bại.
Ella Fitzerald
Đừng khóc khi mặt trời đi mất, bởi nước mắt sẽ ngăn bạn chiêm ngưỡng những vì sao.
Violeta Parra
Bí quyết của thành công đó là: sự chuẩn bị chu đáo, luôn chăm chỉ làm việc và biết học hỏi từ những thất bại.
Colin Powell
Vinh quang chỉ đến với những ai biết kiên trì.
Persius
Hãy để ý con rùa xem, nó chỉ tiến tới khi nào nó thò đầu ra ngoài.
James Bryant Conant
Nguồn: Vượt lên chính mình 2- First News và NXB Tổng hợp TP.HCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét