Tony Curtis
“Những nỗ lực hết mìnhcủa bạn là ánh hào quang đẹp nhất.”
Audrey Manley
Ông vươn lên hàng ngôi sao khi đóng chung với Jack Lemmon và Marilyn Monroe trong bộ phim hài Some Like It Hot của đạo diễn Billy Wilder. Sự xuất hiện của Tony Curtis trong các bộ phim Operation Petticoat, Spartacus, The Great Impostor và The Outsider đã tạo cho ông một vị trí vững chắc trong làng điện ảnh mọi thời đại. Trong cuộc đời mình, Tony Curtis không ít lần rơi vào những hoàn cảnh oái oăm nhưng với thái độ sống tích cực, ông đã là người chiến thắng.
Tôi không thể xác định được nguyên nhân cụ thể nào làm thay đổi cuộc đời mình. Đơn giản vì cuộc sống của tôi có quá nhiều biến cố.
Thuở bé, bất kỳ đứa trẻ nào cũng phải tuân theo sự chỉ dạy của người lớn. Trẻ con không được tự do đi chơi và làm những gì chúng thích. Bạn cũng có thể bị phân biệt đối xử hoặc trở thành đối tượng để người lớn trút giận hoặc bị la mắng bởi bạn không bằng những đứa trẻ khác. Nhưng tôi không để tâm đến điều đó, tôi chỉ quan tâm đến những gì thật sự cần cho cuộc sống của mình và ra sức thực hiện nó. Vì vậy mà lúc nhỏ người ta hay cho tôi là đứa trẻ vô tích sự - bởi họ không sai khiến gì được tôi. Tôi là một đứa trẻ Do Thái lớn lên tại thành phố New York, nơi có xu hướng “bài Do Thái” khá gay gắt. Ở đây người Do Thái bị đối xử như nô lệ, họ chẳng có giá trị gì, cứ như cộng đồng và tôn giáo của họ không xứng đáng có mặt trên hành tinh xinh đẹp này. Nếu tôi tỏ thái độ tức giận với những người đã đối xử tệ với mình, có lẽ cuộc đời tôi sẽ mãi đắm chìm trong sự thù hận. May mắn là tôi nhìn sự việc khá thoáng. Tôi cho rằng được sống đã là một niềm hạnh phúc, và tôi luôn mang theo trong suốt cuộc đời mình quan điểm tích cực này.
Tôi không được học hành một cách bài bản. Tôi gia nhập Hải quân khi mới học xong năm đầu tiên của bậc trung học. Vào quân đội, tôi tiếp tục học và đến khi giải ngũ, tôi đã được cấp bằng chứng nhận học xong trung học. Điều đó có nghĩa là tôi có quyền nộp đơn vào một trường đào tạo diễn viên. Nhưng tôi quyết định tự học ở nhà. Tôi đã thành thạo sáu thứ tiếng, làm họa sĩ, nhà văn, diễn viên, nhà thơ. Tôi đi sâu nghiên cứu vào những lĩnh vực này và đạt tới chuẩn mực mà giới chuyên môn yêu cầu. Nếu không làm được như vậy, tôi sẽ thất vọng với chính mình.
Khi làm việc tôi luôn hướng suy nghĩ và hành động theo chiều hướng tích cực nhất. Mỗi khi ý nghĩ tiêu cực xuất hiện trong đầu, tôi sẽ ngưng làm việc cho đến khi nào tìm ra được nguyên nhân và cách thức thay đổi chúng.
Tôi không còn nhớ đến những vai diễn tôi không được giao bởi một lý do nào đó, chẳng hạn như lúc đó tôi đang bận làm một việc khác, bản thân tôi không phù hợp với vai diễn ấy, thù lao không hợp lý hoặc tôi đã không ở đúng nơi vào đúng lúc cần thiết. Tôi không để mình phải khó chịu khi mất một vai diễn ưng ý bởi tôi hiểu rằng tôi đã từng được đảm trách những vai mà rất nhiều diễn viên khác mơ ước nhưng không có được.
Tôi thấy mình dường như chưa từng mắc sai lầm bao giờ bởi mọi việc tôi làm đều diễn ra như ý muốn. Nếu chưa chuẩn bị tốt, tôi sẽ không làm. Điều này có nghĩa là tôi chỉ nhận thực hiện những gì tôi chắc chắn nằm trong khả năng của mình.
Chúng ta không thể cứ mãi sống trong khổ đau và sự oán hận. Như thế chẳng khác nào sống dưới ách thống trị hà khắc của Hitler hay trong một xã hội mà bạn không có quyền bày tỏ suy nghĩ của mình. Sống trong một xã hội tự do, bạn sẽ không phải chịu sự ức hiếp của người khác, ngay cả khi đó là những người thân trong gia đình. Ngày nay, cuộc sống thường ngày của trẻ con được tự do hơn bởi người ta có xu hướng không can thiệp những chuyện riêng tư của chúng nữa. Hãy giúp con trẻ nhận ra vấn đề khi chúng mắc sai lầm, tránh gây áp lực, nên khuyến khích và tạo cơ hội cho chúng bày tỏ suy nghĩ một cách chân thành. Qua cách cư xử của chúng ta, trẻ con sẽ hiểu được cuộc sống này tốt đẹp biết dường nào.
Tôi chỉ gắn bó với những gì mà mình thích. Cảm giác thoải mái giúp tôi dễ dàng nhận ra những điều đúng, sai và tránh được tâm trạng do dự, tự dối gạt chính mình hay sự bất mãn, nản lòng... Không có bất kỳ khoảnh khắc nào trong cuộc sống hay trong sự thành công của tôi mà không có bóng dáng của gian nan. Bởi vì dù bạn có muốn hay không thì những khía cạnh tiêu cực vẫn luôn tồn tại trong cuộc sống. Chúng sẽ cản trở bạn, không để bạn dễ dàng đạt được những gì mình mong muốn. Vì vậy chính bạn phải tự giải thoát cho mình khỏi những trở ngại đó để có thể chinh phục tất cả những mục tiêu mà bạn đang hướng đến.
Nếu bạn thực sự làm hết khả năng của mình trong mỗi công việc, sống trọn vẹn với từng ngày, thì kế hoạch lâu dài của bạn tự nó sẽ hoàn tất từng bước một, giúp bạn đạt được mục tiêu sau cùng.
Nguồn: Vượt lên chính mình 2 - First News và NXB Tổng hợp TP.HCM
Chris Crutcher
“Thành công vĩ đại nhất chính là những trải nghiệm giúp tôi khám phá thế giới.”
Bác sĩ
Cuốn Staying Fat for Sarah Byrnes đã được tờ School Library Journal đánh giá là “Tuyệt tác của một tiểu thuyết gia có tác phẩm đoạt giải”.
Thất bại của Chris Crutcher trong công việc giảng dạy đã mở ra con đường để ông trở thành tác giả sáu lần đoạt giải thưởng của Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ (American Library Award - ALA).
Thời đi học, tôi là một học sinh kém. Vì vậy tôi rất “chịu khó” lục tìm lại sách giáo khoa của anh trai tôi, bởi hầu hết chúng đều có những bản viết tay tóm tắt nội dung sách của anh ấy. Tôi thường sao chép lại, và đôi khi còn chép sai chính tả một vài chỗ.
Tôi không thể ngồi học bài một cách tập trung được lâu. Khi cần, tôi cũng có thể cố gắng thêm chút ít, nhưng cũng chỉ đạt đến điểm C là hết mức. Hồi còn học trung học, có lần tôi được phân công đọc cuốn To Kill A Mockingbird. Tuy là sách mới được phát hành nhưng anh trai tôi đã đọc nó và viết ghi chú vào trang cuối. Tôi copy lại. Cuốn sách kế tiếp tôi được giao đọc là The Scarlet Letter. Và bài kiểm tra lần này thật tồi tệ.
Dù không thường đọc sách và cũng không chăm chỉ học tập, nhưng tôi vẫn có ý nghĩ một ngày nào đó mình sẽ trở thành nhà văn. Mỗi lần tôi vi phạm nội quy học tập, thầy cô phạt tôi phải viết bài văn khoảng 500 từ. Không ai không thể buộc tôi bỏ ra hơn 15 phút để làm một bài tập, nhưng tôi có thể thức trắng đêm để viết một cái gì đó làm cho thầy cô và các bạn trong lớp cười đến vỡ bụng.
Điểm A duy nhất tôi đạt được là ở môn tâm lý trẻ em và trẻ vị thành niên. Mặc dù sức học của tôi không khá, nhưng bù lại tôi có trí tưởng tượng phong phú. Tôi không cần đọc hết cuốn sách mà chỉ cần đọc qua những tiêu đề trong sách là có thể tưởng tượng ra phần nội dung chi tiết, sau đó điền vào phần trả lời trong các bài kiểm tra, đủ để kiếm điểm C. Rồi tôi cũng tốt nghiệp được đại học, với tấm bằng cử nhân tâm lý và xã hội học. Thời đó bằng cấp này ít được coi trọng, nó chỉ đủ để tôi được nhận vào làm công nhân đổ bê tông cầu đường ở Dallas, bang Texas với mức lương 2,13 đô la một giờ. Sau đó tôi quay lại học tiếp để lấy chứng chỉ sư phạm, trở thành giáo viên dạy các môn nghiên cứu xã hội. Thời gian đầu đi dạy, tôi luôn có cảm giác lo sợ một ngày nào đó mọi người sẽ phát hiện ra sự kém cỏi của mình. Bởi tôi không truyền đạt cho học sinh được gì ngoài việc đọc sách cho chúng nghe. Tôi nợ tất cả những ai đã từng nghe tôi giảng về môn nghiên cứu xã hội một lời xin lỗi.
Thật tình tôi không thích đề tài mình đang dạy chút nào, nhưng tôi thực sự thích bọn trẻ. Đối với chúng, tôi là thỏi nam châm đầy sức hút, đặc biệt là với những đứa không muốn đến lớp. Giữa chúng tôi có sự gắn bó thân thiện. Sau một năm rưỡi dạy học ở trường công, tôi nhận thấy nếu cứ phải tiếp tục làm công việc này có lẽ tôi sẽ phát điên mất. Tôi biết mình đã đi sai đường. Tôi tốt nghiệp đại học, nhưng tôi không hề muốn lấy bằng cao học, lại càng không muốn học lên tiến sĩ để trở thành một chuyên gia tâm lý. Tôi không thích thắt cà vạt, không muốn gò mình trong những văn phòng bít bùng, chật chội.
Tôi dọn đến vịnh San Francisco và nhận dạy tại Lakeside, một trường tư thục có đủ các lớp từ mẫu giáo đến lớp 12. Tôi dạy các lớp bậc tiểu học nhưng cũng không thể chú tâm vào bài giảng, hầu hết các tiết học tôi đều pha trò và thường xuyên giảng lạc đề. Thấy tôi năng nổ tham gia vào nhiều hoạt động khác trong trường, mọi người đã bầu tôi làm giám đốc. Một hôm vị chủ tịch hội đồng quản trị của trường đến thăm, tôi bảo với ông ta rằng những học sinh cấp III thường uống rượu khi đi học và chúng hay thả những bong bóng nước xuống đầu những đứa trẻ khối tiểu học trong giờ ra chơi. Theo ý tôi, nên giữ chân những học sinh này trong phòng học vào giờ ra chơi để hạn chế sự quậy phá của chúng. Ông ta tỏ ra thích thú với đề xuất đó và quyết định chọn tôi làm tổng giám đốc của trường, có trách nhiệm giải quyết tất cả các vấn đề phát sinh. Tôi nhận lời ngay bởi đó là cơ hội duy nhất giúp tôi thoát khỏi việc đứng lớp. Vả lại đó cũng là dịp để tôi làm việc riêng rẽ với từng học sinh một. Kể từ đó, tôi tập trung vào những nhân vật, những cốt truyện mà tôi muốn viết. Và những đứa trẻ chính là nguồn sáng tạo của tôi. Đôi khi tôi thấy cuộc đời thật thú vị, tôi lớn lên tại Cascade, Idaho, da màu, bây giờ tôi lại ở đây, trung tâm của Oakland, giữ vai trò tổng giám đốc của một trường học.
Công việc của một giáo viên là giảng dạy và bắt học sinh học hành nghiêm túc. Nhưng tôi không làm như thế, tôi làm cho lớp học trở nên dễ chịu hơn bằng những câu chuyện vui và với không khí đó, học sinh có thể tiếp thu bài vở một cách dễ dàng hơn. Tôi cho rằng trẻ con và hầu hết học sinh đều không cần lời khuyên. Chúng cần “nhân chứng”, người chứng kiến cuộc sống của chúng nhưng tuyệt đối không được đưa ra những lời phán xét. Chúng muốn được khen ngợi khi thành công, và được giúp đỡ mỗi khi gặp khó khăn.
Tôi có óc khôi hài và có thể làm bạn với bất kỳ ai, nhưng tôi không có kỹ năng làm việc. Dù đã bước sang tuổi 35 nhưng số tiền tôi kiếm được còn xa mới theo kịp mức thu nhập bình quân của một người Mỹ.
Không có hứng thú với nghề dạy học, do đó tôi dọn đến Spokane ở Washington với ý định kinh doanh giày thể thao. Nhưng khi đến Spokane, tôi đổi ý vì thấy công việc bán giày không hề đơn giản như tôi nghĩ. Tình cờ tôi đọc được mẩu quảng cáo nhỏ cần một điều phối viên cho nhóm bảo vệ trẻ em, tôi gọi điện thoại hỏi thăm. Và tôi được nhận vào nhóm điều phối gồm các bác sĩ khoa nhi, các chuyên gia tâm thần, y tá, cảnh sát và các nhà tư vấn trong việc bảo vệ trẻ em. Ở đây tôi học được cách làm việc có hệ thống và xây dựng mối liên hệ khá tốt với các chuyên gia tâm lý. Công việc đòi hỏi tôi phải liên lạc với mọi người, kiên trì một chút, giúp họ hàn gắn các mối bất hòa trong gia đình. Tuy không phải lúc nào tôi cũng thành công, nhưng chính niềm tin vào ý nghĩa của công việc này đã giúp tôi tiếp tục vững bước.
Tôi biết Terry Davis, tác giả cuốn Vision Quest. Và tôi nghĩ mình có thể làm được như ông ấy. Do vậy tôi bắt đầu ngồi vào bàn và viết. Đây là lần đầu tiên tôi ngồi vào bàn nghiêm túc và tập trung suy nghĩ. Viết xong tôi gửi cho Terry, và ông ấy lại gửi cho người đại diện. Trong vòng chưa đầy một tuần, người đại diện gọi điện đến thông báo sẽ cho xuất bản cuốn sách của tôi. Lập tức nó trở thành cuốn sách best-seller.
Cuối cùng thì tôi cũng có sách được xuất bản. Mặc dù mọi người đánh giá cuốn sách đầu tay này rất hay, nhưng không hiểu sao tôi vẫn có cảm giác mình đang lừa dối họ. Khi ngồi vào bàn để viết cuốn tiếp theo, trong đầu tôi vẫn chưa hình dung mình sẽ viết cái gì. Trong đầu tôi chưa hình thành một cốt truyện mới nào, trong khi nhà xuất bản đang chờ đợi từng giây. Cuối cùng, tôi tìm đề tài bằng cách hồi tưởng lại những biến cố thăng trầm của đời mình và tưởng tượng thêm một vài nhân vật có tính cách khác thường nữa để dựng nên câu chuyện trong cuốn Stotan!. Từ đó, tôi cũng tìm được hướng đi cho mình. Tôi chưa bao giờ xem mình là một thầy giáo, cũng không tự nhận là một chuyên gia tâm lý, nhưng tôi chẳng gặp vấn đề gì khi làm một nhà văn cả. Trong tôi luôn có niềm khát khao mãnh liệt được viết, và cho dù có xảy ra chuyện gì đi nữa, tôi vẫn sẽ tiếp tục viết. Tôi luôn giỏi múa may với ngôn từ.
Ở cương vị người thầy, tôi thấy mình thật sự thất bại. Nhưng chính thời gian dạy học đã cho tôi cơ hội tiếp xúc với nhiều người, từ trẻ con đến người trưởng thành. Họ là những nhân vật trong truyện của tôi.
Khi trở thành nhà văn, tôi đã đạt được ước mơ cháy bỏng của mình nhưng như thế vẫn chưa đủ. Để có được cảm giác hạnh phúc thật sự, bạn còn phải có niềm say mê đối với những gì bạn làm, chứ không nên chỉ cố gắng theo đuổi để được như người này hoặc giống người kia, hay đơn thuần chỉ để mua lấy sự nổi tiếng. Bạn không thể sống trong sự áp đặt của người khác bởi chính bạn phải là người làm chủ cuộc đời mình. Bạn cần phải biết vì sao bạn ca hát, điều gì làm bạn thấy phấn khích, và vì sao bạn say mê công việc đó chứ không phải bất cứ công việc nào khác. Bạn phải tìm cho riêng mình niềm đam mê đích thực và đừng để ai đó làm cho bạn tin rằng bạn không thể thành công. Cũng có thể bạn không thành công thật, nhưng chính những nỗ lực hết mình của bạn trong công việc đã là ánh hào quang đẹp nhất.
Tôi không có chút khái niệm gì về văn chương phục vụ xã hội. Tôi chỉ biết mình viết nhằm mục đích tìm lại cảm giác hứng thú cho những người không thích đọc sách. Những trang sách của tôi đã đáp ứng được một chủ đề, thể loại mà chưa ai từng viết. Tôi viết không phải để cố trở thành người chuyên viết về thể loại này. Mà những cuốn sách ra đời từ chính những trải nghiệm trong thời gian tôi gặp gỡ, tiếp cận những con người luôn phải đấu tranh, vật lộn với cuộc sống, những người luôn tìm cách để vươn lên, những người phải luôn di chuyển khắp các trại cấp dưỡng, những người chẳng có nơi nào để đi, và cũng chẳng thuộc về một cộng đồng nào. Và cũng nhờ luôn tìm hiểu người khác, giờ đây tôi đã hiểu bản thân mình rõ hơn.
Tôi nhớ K. Marx đã nói “ Sống là tranh đấu” - tôi thấy đúng là như thế thật. Những nhân vật trong truyện của tôi hầu hết đều là những người đang tìm cách vươn lên trong cuộc sống, và trong mắt tôi, họ đều là những anh hùng.
Để trở thành nhà văn, ngoài khả năng viết ra bạn cần phải có một vốn sống phong phú, đó có thể là sự tác động của môi trường, hoàn cảnh bạn đang sống. Từ đó trong bạn sẽ hình thành nên những cốt truyện, những ý tưởng để bạn viết.
Khi bạn phải tự mày mò học hỏi, đừng quá đau buồn hay giận dữ với những sai lầm, mà hãy tận dụng và học hỏi từ chúng.
Một trong những ưu điểm của tình trạng lộn xộn, không quy củ, đó là người ta liên tục khám phá những điều mới mẻ đầy thú vị.
Thất bại thực sự duy nhất chính là không dám khởi sự.
Harold Blake Walker
Thất bại rất cần cho sự trải nghiệm và trưởng thành của mỗi chúng ta. Tất cả những gì tôi đạt được ngày hôm nay đều do trước đây tôi dám cho phép mình phạm sai lầm.
Rick Pitino
Trong lúc vươn tới các vì sao, có thể bạn sẽ không thể chạm tay tới ngôi sao nào cả, nhưng chắc chắn một điều chân tay bạn cũng không phải lấm lem vì bùn.
Leo Burnett
Nguồn: Vượt lên chính mình 2 - First News và NXB Tổng hợp TP.HCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét