Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

P04: Vượt Lên Chính Mình - Tập 2



Ann Richards
"Thất bại chính là bước đệm cho những thành công sau này."

Từng là Thống đốc bang Texas và là một nhân vật tiêu biểu trong chính phủ Mỹ, Ann Richards là thành viên Ủy ban Tư vấn về vấn đề Phụ nữ do Tổng thống Carter sáng lập.
Năm 1988, bà đã phát biểu một bài diễn văn rất sâu sắc trong Hội nghị Toàn quốc Đảng Dân Chủ và tiếp đó là chủ trì hội nghị này vào năm 1992.
Bà là người phụ nữ đầu tiên của bang Texas được bổ nhiệm vào Văn phòng Chính phủ trong suốt 50 năm qua. Nhưng so với những thử thách mà Ann Richards phải đối mặt trong sự nghiệp thì cuộc chiến đấu chống lại thói hư tật xấu của con người là thử thách khốc liệt nhất và cũng là chiến thắng vĩ đại nhất của bà.
Tôi luôn tự đặt ra cho mình những chuẩn mực rất cao. Trong bất kỳ trường hợp nào tôi cũng đều muốn mình là nhân vật số một - người mẹ đảm đang nhất, người vợ ngoan hiền nhất, người diễn trò hay nhất, cô y tá giỏi nhất... Dĩ nhiên tôi không bao giờ có thể đạt được tất cả những kỳ vọng đó, và tôi bắt đầu gởi nỗi thất vọng vào men rượu. Mỗi khi say, tôi không phải đối diện với cảm giác bất lực mà mơ màng cảm thấy mình đáng yêu hơn, ngộ nghĩnh hơn, thông minh hơn. Nhiều người có thể uống chỉ một vài ly rồi ngưng, nhưng tôi thì khác. Thời gian qua đi, tửu lượng của tôi ngày càng cao, và tôi luôn có cảm giác thèm uống, uống bao nhiêu cũng không đủ.
Khi tôi bận rộn trong công việc ở vị trí Ủy viên Hội đồng Thành phố thì cuộc hôn nhân của tôi bắt đầu có vấn đề. Tôi lại càng uống nhiều hơn, không phải chỉ vì cuộc hôn nhân mà vì còn muốn giải tỏa mọi nỗi đau trong cuộc sống.
Cho đến một ngày, biết mình không thể sống thiếu rượu nên tôi tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ. Ông hỏi tôi đã uống bao nhiêu. Nếu là một người nghiện hẳn bạn sẽ nói dối. Tôi nói mình uống hai, ba hoặc bốn ly martin trước mỗi bữa tối. Ông nói ông cũng từng uống với liều lượng như thế và đây là lúc tôi cần được chăm sóc y tế.
Tháng 1 năm 1980, một người bạn sắp xếp mời tôi đến nhà cô ấy chơi. Tới nơi, tôi ngạc nhiên khi thấy một nhóm bạn và cả gia đình tôi đã ở đó tự bao giờ. Mọi việc diễn ra giống như trong phim The Last Supper. Từng người thay phiên nhau kể tội tôi, về những việc tệ hại tôi đã làm trong khi say rượu. Họ làm tôi thật sự khiếp sợ chính mình. Ngay buổi chiều hôm ấy, tôi bay đến Saint Mary’s ở bang Minneapolis và kể từ đó về sau không bao giờ tôi đụng tới một giọt rượu nào nữa.
Chuyện đó xảy ra cách đây đã 20 năm. Chứng nghiện rượu và những lần chữa trị sau đó đã trở thành kinh nghiệm hữu ích nhất và quan trọng nhất tôi có được trong cuộc sống. Lần đầu tiên trong đời, tôi dành ra hẳn một tháng để tự nhìn lại mình, cũng như định hướng cho tương lai. Nhưng tôi không sử dụng hết 30 ngày như tôi đã định. Trước tiên, tôi nghĩ tới những người thân và cách cư xử của mình đối với họ. Và tôi mất khoảng 10 ngày để nhìn nhận lại thái độ của gia đình, bạn bè đối với mình và thôi không giận họ nữa, tôi hiểu mọi người làm thế bởi họ thực sự quan tâm đến tôi. Tôi thật sự xúc động vì tình cảm đó và cảm thấy xấu hổ vì những lỗi lầm mình đã gây ra.
Thời gian còn lại tôi soi rọi vào sâu thẳm tâm hồn mình và khám phá ra nhiều điều thú vị về bản thân cũng như về chứng nghiện rượu. Rồi tôi tham gia vào một nhóm người chuyên giúp đỡ những ai mắc chứng nghiện rượu. Chỉ khi ở trong môi trường đó tôi mới thoát khỏi thói quen tự cô lập, không còn cảm giác oán hận chính mình nữa và hoàn toàn gột bỏ được ý nghĩ tội nghiệp bản thân.
Thông thường, khi đề cập đến thất bại người ta nghĩ ngay đến việc bị đánh ngã. Thật sai lầm khi cho rằng mọi lỗi lầm là không thể cứu vãn được. Cũng như hầu hết mọi người, khi mọi việc diễn ra suôn sẻ thì tôi nghĩ đó là một vận may. Trái lại khi gặp trục trặc, thì tôi lại quy hết tội cho bản thân. Để vượt qua cảm giác này, tôi quyết tâm tìm hiểu nguyên nhân và mức độ sai lầm của mình. Bằng cách nhìn lại bản thân và những sự việc đã xảy ra trước đó, tôi đã rút ra những kinh nghiệm tránh không mắc lại những sai lầm đó nữa.
Tôi nghĩ, bài học kinh nghiệm tốt nhất là từ những thất bại. Tôi vốn không phải là nhân vật Pollyanna - một người luôn sống lạc quan. Nhưng nếu bạn ý thức được rằng, mình chỉ có một cuộc đời, tôi tin bạn sẽ sống tốt hơn.
Sau khi để mất vị trí Thống đốc tiểu bang vào tay George W. Bush, tôi cảm thấy thật thất vọng... nhưng chỉ trong năm giây. Kết quả đó thật đáng buồn cho một người hết mình vì công việc như tôi. Nhưng dù tôi có buồn đến đâu đi nữa, người khác có đánh giá về tôi tốt thế nào đi nữa, tôi vẫn phải đối diện với một điều là sự thật đó không thể nào thay đổi.
Hành trình của con người là hướng về phía trước chứ không phải ở những gì đã xảy ra trong quá khứ. Khi thất bại, điều cần thiết nhất là tìm cho mình một hướng đi mới. Tôi phải thay đổi thái độ và tiếp tục bước tới. Tôi nhận thấy mình có thể tiếp tục cống hiến thêm 20 năm nữa, và tôi lên danh sách những gì tôi muốn làm trong 20 năm đó. Việc nhận ra những cơ hội mới này đã thay đổi suy nghĩ của tôi. Khi còn nghiện rượu, tôi không thể kiểm soát được những suy nghĩ của mình. Còn bây giờ, sự tỉnh táo đã giúp tôi có khả năng vượt qua những trở ngại và kiên trì trước những khó khăn.
Cuộc sống luôn đổi thay từng ngày, vì vậy chúng ta cần phải điều chỉnh chính mình để có thể thích nghi được với hoàn cảnh. Những điều mới mẻ, tuyệt vời và đầy thử thách vẫn đang ở phía trước.
Chớ nên vì ngượng ngùng khi mắc phải lỗi lầm nhỏ mà mãi che giấu, khiến chúng biến thành tội ác lúc nào không hay.
Khổng Tử
Đừng để tâm đến thất bại mà chỉ nên nhìn vào những sai sót của mình.
Ngạn ngữ châu Phi
Thất bại đến với ta không phải làm ta buồn mà giúp ta thêm tỉnh táo, không làm ta hối tiếc mà khiến ta trở nên sáng suốt.
Henry Ward Beecher
Nguồn: Vượt lên chính mình 2 - First News và NXB Tổng hợp TP.HCM

Garry Marshall
“Khi dám đối diện với sự thật và quyết tâm sửa chữa sai lầm, ta sẽ nhận được những phần thưởng vô giá.”

Garry Marshall là một trong những đạo diễn truyền hình, điện ảnh, sân khấu, nhà biên kịch, nhà sản xuất được đánh giá cao nhất tại Hollywood.
Marshall đã thực hiện và sản xuất một số hài kịch được đông đảo khán giả hâm mộ và có thời gian trình chiếu dài nhất trong lịch sử truyền hình Hoa Kỳ như: Happy Days, Laverne & Shirley, The Odd Couple, và Mork & Mindy.
Các bộ phim thành công do ông đạo diễn như Nothing in Common, Beaches, The Princess Diaries, Pretty Woman (bộ phim tình cảm lãng mạn rất nổi tiếng đã được trình chiếu tại Việt Nam với tựa đề Người đàn bà xinh đẹp, trong phim có sự tham gia của các diễn viên ngôi sao lừng danh của Hollywood như Julia Roberts và Richard Gere - ND). Ông cũng từng tham gia diễn xuất trong bộ phim truyền hình Murphy Brown và có một vai diễn đáng nhớ - chủ sòng bạc - trong phim Lost in America của đạo diễn Albert Brooks. Marshall được trao giải thưởng “Lifetime Achievement” của giải American Comedy và được ghi tên vào nhà lưu danh của Viện Hàn lâm Khoa học & Nghệ thuật Truyền hình.
Khi nhìn ly nước chỉ còn một nửa, một số người bảo ly nước đã vơi đi một nửa, nhưng số khác lại cho rằng ly nước vẫn còn một nửa. Còn với tôi, cho dù trong cái ly kia có chứa thứ gì đi nữa thì tôi cũng đều có khả năng bị dị ứng.
Hồi còn bé, tôi rất dễ nhiễm bệnh, hầu như lúc nào tôi cũng bị ho, cảm, sổ mũi, nóng sốt cùng các chứng dị ứng. Không phải chỉ dị ứng với một số thứ đặc biệt, mà cả với những thứ bình thường - những thứ hầu như không thể gây dị ứng với những người khác. Một bác sĩ đã chẩn đoán tôi bị dị ứng với 128 loại thực phẩm và phấn hoa. Khi lớn lên, tôi lại mắc chứng sợ hãi, tôi sợ cả những thứ nhỏ nhặt nhất và luôn có ý nghĩ mình sắp chết vì bị dị ứng và ốm vặt.
Thời đó nhà tôi không có tivi, để giải trí trên giường bệnh, tôi cắt hình từ những cuốn truyện tranh và tạp chí rồi cho điểm chúng. Và khi đọc hết những truyện cười trong sách, tôi bắt đầu tự viết lấy. Tôi có khả năng nhận biết kiểu truyện nào dễ gây cười nhất, và tôi cũng biết sự hài hước là liều thuốc có thể giúp tôi sống tốt hơn.
Trước khi vào đại học, tôi không có định hướng nghề nghiệp và cũng không biết mình thật sự mong muốn làm nghề gì. Tuy cha tôi thường xuyên vắng nhà do phải làm việc với khách hàng của công ty quảng cáo của ông, nhưng tôi vẫn đem nỗi băn khoăn này hỏi cha để nhận được lời khuyên của ông: “Garry này, thể trạng con yếu ớt, có thể con sẽ đau ốm suốt đời. Con nên chọn nghề nào liên quan đến đau răng, đau bao tử, đau đầu, hoặc đau bất cứ gì”.
Nhưng rồi tôi quyết định chọn nghề viết. Vì nếu có phải nằm liệt giường vì sốt, tôi vẫn có thể kiếm ra tiền. Thế nên tôi nộp đơn vào các trường đại học có khoa báo chí, và sau cùng tôi chọn Đại học Chicago’s Northwestern.
Qua năm đầu tiên, tôi nhanh chóng rút ra một kết luận là tôi không có tố chất của một phóng viên. Tôi thường xuyên gặp rắc rối bởi vì không thu thập đúng các thông tin, sự kiện cần thiết. Bài tập đầu tiên là viết một bản cáo phó cho một người thật, đang còn sống. Và vì mải đi chơi với một cô bạn nên tôi quên làm bài. Đến hạn nộp bài, tôi ngồi vào bàn viết vội viết vàng: “Danny Kaye, người được báo tin qua đời sáng sớm hôm nay, hiện vẫn còn sống. Ông ta bị bệnh, nhưng giờ đã bình phục.”
Thầy giáo cau mày: “Cậu viết cái gì thế này?”.
“Thầy đã dựng lên câu chuyện này, thầy báo là ông ấy chết, còn em cải chính là ông ấy vẫn còn sống!”. Thế là tôi bị điểm D và giã từ ngành báo chí.
Trong lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, tôi đã từng thất bại hơn chục lần với các show diễn và chương trình khác nhau, kể cả Me and the Chimp và một hài kịch mang tên Blansky’s Beauties, mà tôi đã thử nghiệm cả năm cách khác nhau nhưng tất cả đều thất bại.
Một đạo diễn không nên để những lời phê bình chi phối tâm trí, bởi bạn không thể kiểm soát được những gì người khác bình phẩm về mình. Tôi nhận được cả những lời phê bình tốt và xấu. Những lời phê bình tích cực như: “Đây là phim hài tình cảm lãng mạn hay nhất trong nhiều năm nay!” do Vincent Canby dành cho bộ phim Pretty Woman, và cho phim Nothing in Common; “Thật tuyệt! Đạo diễn Garry Marshall đã pha trộn sự hài hước và kịch tính thật tài tình!” của Guy Flatley, Tạp chí Cosmopolitan. Cũng không hiếm những lời phê bình thậm tệ cho Think Pretty: “Xoàng xĩnh, tầm thường”, và phim Frankie & Johnny : “Chỉ là trò gian xảo khi cho rằng bộ phim như làn gió mới, sự thực đây là bộ phim Happy Days với ít nhiều tình tiết thay đổi”, tờ Washington Post.
Hầu hết mọi người thường sai lầm khi cố tình phủ nhận hoàn toàn những thất bại của mình. Tôi thành thực khuyên bạn đừng bao giờ bỏ cuộc chỉ vì một vài trục trặc nho nhỏ. Cách hay nhất là hãy nói “Đúng, tôi đã thất bại. Nhưng ngay từ bây giờ tôi sẽ nỗ lực để thành công”. Sau khi đã tìm ra con đường đúng đắn cho mình, tôi nhận thấy rằng hầu hết những người biết học hỏi từ thất bại là người thật sự có năng lực.
Tôi có một bức tượng nhỏ hình Sisyphus - một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp bị thần Zeus phạt làm công việc kéo một tảng đá lên sườn đồi, nhưng mỗi khi lên gần đến đỉnh, tảng đá lại rơi xuống, và Sisyphus phải quay xuống chân đồi để bắt đầu lại công việc của mình. Tôi học được từ hình tượng đó thái độ lạc quan trong công việc. Tuy trong thần thoại không đề cập đến, nhưng tôi nghĩ rằng khi quay trở xuống để đẩy hòn đá lên lần nữa, Sisyphus đã có một sự lựa chọn. Anh ta có thể nói: “Ta đổ mồ hôi rồi, trời nắng quá, vậy mà lại phải đẩy cái hòn đá chết tiệt này lên!”, hoặc “À, đây là khoảng thời gian rảnh đáng quý. Ta chẳng phải làm gì cả cho đến khi xuống tới chân đồi. Ta có thể vừa thả bộ, vừa thổi sáo, mà chẳng phải đẩy cái gì hết!”. Và trong cuộc đời mình, tôi luôn cố gắng tận dụng khoảng thời gian “thả bộ xuống chân đồi” này bởi đó thường là những khoảnh khắc hạnh phúc nhất.
Vấn đề không phải ở chỗ bạn đang gặp khó khăn mà chính ở chỗ bạn xem khó khăn là một vấn đề.
Theodore Rubin
Hãy xem mỗi trở ngại là một cơ hội.
Tiến sĩ Wayne Dyer
Có người biết cách biến những trở ngại trong cuộc đời mình thành những bệ phóng, nhưng cũng không ít người lại biến chúng thành những viên đá chắn lối đi.
R. L Sharpe
Nguồn: Vượt lên chính mình 2 - First News và NXB Tổng hợp TP.HCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét