TT - Cầm quyển sách Never doubt my love (Đừng nghi ngờ tình yêu của anh) của tác giả Daisy Thompson (Úc) tặng trên tay, Nguyễn Bích Lan vừa mừng vừa lo. Lan mừng vì có việc lấp đầy những ngày bệnh tật trống rỗng, nhưng cô cũng lo chưa biết mình sẽ bước thế nào trên con đường mới mẻ này.
Một số sách do Nguyễn Bích Lan dịch - Ảnh: QUỐC VIỆT |
“Đừng ưu tiên Bích Lan hoàn cảnh”
Lan dành suốt mấy tuần đọc đi đọc lại sách để nhập tâm vào chuyện tình, chuyện đời nhẹ nhàng mà sâu lắng của nhà văn. Ban ngày Lan tập trung sâu. Nhiều đêm cô lại tiếp tục nằm mơ chuyện này. Mùa thu năm 2002, Lan bắt tay dịch. Lan không làm nhanh mà chọn lối dịch chậm rãi nhưng kiên trì. Lan định mức mỗi ngày dịch sáu trang. Hôm nào trở bệnh, Lan không cố làm xong “tiêu chuẩn” vì sợ không đạt chất lượng. Nhưng hôm sau cô sẽ làm bù lại.
Ngoài dịch thuật, thú vui của Lan là chăm sóc những chậu hoa lan và đọc một quyển sách khác. Có người sợ Lan đọc như vậy sẽ phân tâm trong quyển sách đang dịch. Tuy nhiên, thú đọc này không chỉ là giải trí, mà còn giúp trí óc cô mở mang thêm ngôn từ, kiến thức và cảm xúc văn chương để bổ sung lại cho chính quyển sách đang dịch. Em trai Minh Đức hiểu niềm vui và phương pháp làm việc của chị. Mỗi chuyến công tác nước ngoài, cậu tìm mua tặng chị cả balô sách. Có lần cậu đi Ấn Độ lùng được cho chị quyển Shantaram viết về nhân vật vươn lên từ tận đáy xã hội. Và sách dày gần 1.000 trang của tác giả Gregory David Roberts này được Lan gối đầu giường, đọc đi đọc lại suốt nửa năm.
Cuối thu năm 2002, sách đầu tay do Lan dịch Đừng nghi ngờ tình yêu của anh hoàn tất. Cô dành riêng một tuần để tự biên tập lại, rồi gửi đến Nhà xuất bản Phụ Nữ. Vài ngày sau, biên tập viên nhà xuất bản gọi điện khen ngợi và hẹn hợp tác nữa. Lan rất cảm động và cũng muốn có sự đánh giá khách quan. Trao đổi với nhà xuất bản, Lan nói rõ: “Đừng ưu tiên gì, hãy đánh giá một Bích Lan công việc chứ không phải Bích Lan hoàn cảnh”.
Nhiều hôm làm việc kiệt sức nhưng Lan rất vui, cô không thấy mình là “người trống rỗng” nữa và cũng đỡ nhớ lớp học cây táo. Tác phẩm dịch đầu tay của Lan ra đời chinh phục được bạn đọc, Nhà xuất bản Phụ Nữ tiếp tục hợp đồng và nhiệt tình tạo điều kiện giúp cô dịch bốn quyển khác. Có những quyển sách được cô dịch hoàn tất chỉ trong một tháng như No place for love (Không có chỗ cho tình yêu) của nhà văn Mỹ Peggy O’More... Hầu như sách dịch nào của Lan cũng được biên tập viên Nhà xuất bản Phụ Nữ đánh giá cao. Tuy nhiên, sau khi cô dịch quyển thứ năm Angela’s ashes (Tro tàn của Angela) của tác giả người Ireland Frank McMacot thì một thời gian dài cô không thấy nhà xuất bản giao sách cho cô...
Dịch cuốn Dance with your heart của Shirley Cheng, Lan cảm giác mình đang hòa cùng nhịp đập trái tim với Cheng khi viết về những cuộc đời không may mắn nhưng cháy bỏng ước mơ |
Làm việc độc lập
Lan chờ đợi, trông ngóng nhưng không thấy trả lời. Cô chẳng thể đi gặp trực tiếp nhà xuất bản, cũng chẳng biết hỏi cho rõ vì sao. Cô lặng lẽ đọc đi đọc lại các trang bản thảo của mình và tự dằn vặt. Ám ảnh lớn nhất của Lan là chẳng biết tiêu 24 giờ vào việc gì. Dần dần Lan lại rơi vào trạng thái hụt hẫng, cảm thấy mình là người vô ích. Một buổi chiều, Lan ngồi thẫn thờ nhìn qua khung cửa sổ có cánh chim đang bay lượn tự do trên bầu trời xanh biếc. Cô bất chợt nảy ý nghĩ: “Tại sao mình cứ phải ngồi chờ đợi người khác đem việc đến? Tại sao mình không không tự do làm việc mình thích?”.
Ngay đêm đó, Lan liên lạc thư điện tử với Shirley Cheng ở Mỹ và xin được dịch cuốn sách Dance with your heart (Vũ điệu trái tim) của bạn mà Lan rất yêu thích. Cheng vui vẻ đồng ý ngay. Cô còn khích lệ chỉ có người bạn đồng cảnh bất hạnh như Lan mới có thể thấu cảm hết ý nghĩa quyển sách của mình. Hôm sau, Lan liên lạc với Nhà xuất bản Phụ Nữ và được đồng ý. Khác với sự say mê dịch những sách được giao trước đó, lần này Lan dịch sách do mình chọn với hứng khởi và rung động đặc biệt. Hình như số phận giống nhau giúp Lan cảm xúc trọn vẹn với những câu chuyện, bài thơ về tình yêu cuộc sống mà Cheng viết trong Vũ điệu trái tim.
Lặng lẽ dịch sách bạn mà nước mắt Lan ứa ra. Cô cảm giác mình đang hòa cùng nhịp đập trái tim với Cheng, khi viết về những cuộc đời không may mắn nhưng cháy bỏng ước mơ đến những vì sao. Vũ điệu trái tim xuất bản thành công. Lan dành riêng một lượng sách tặng người khuyết tật, bản nào cũng có ký tên cô, một người giống họ. Cheng rất vui khi biết Lan làm việc ý nghĩa này.
Từ sau cuốn sách này, Lan làm việc độc lập hoàn toàn. Cô tự lên mạng chọn sách hoặc nhờ người mua, đọc thẩm định trước rồi mới liên hệ với nhà xuất bản. Chính cô cũng trực tiếp liên hệ đàm phán với tác giả. Thường sau khi biết chuyện đời và nỗ lực làm việc của Lan, các tác giả đều quý cô như bạn. Một số người còn tặng bản quyền hoặc lấy tiền bản quyền rất rẻ để giúp Lan đưa sách đến bạn đọc VN.
Trong thư trả lời đề nghị của Lan được dịch quyển Extraordinary people (Những con người phi thường), tiến sĩ Darold A. Treffert, tác giả sách, hồi âm: “Chính con người bạn đã là một câu chuyện xúc động và phi thường đáng để viết nhất. Tôi tin bạn có thể hiểu sâu sắc để dịch sách này”. Quyển sách này rất khó dịch vì có nhiều thuật ngữ chuyên môn mới. Lan phải mất 21 ngày chỉ để chuyển ngữ VN cho thuật ngữ nói về loại trí nhớ đặc biệt trong nguyên tác. Tiến sĩ Treffert diễn giải nhưng Lan vẫn chưa tìm được từ ngữ VN tương ứng. Cuối cùng, cô phải nhờ chuyên gia tâm thần học Tô Xuân Lan ở Nhật, một nhà báo ở Anh và tiến sĩ ngôn ngữ học Trịnh Nhật ở Mỹ. Ba người này đã nhiệt tình góp ý và tranh luận nhau, để cuối cùng Lan rút được thuật ngữ là “trí nhớ hình tượng”.
Ngày thứ 114, Lan dịch xong dòng cuối cùng của quyển sách này, và cô xúc động báo tin vui ngay cho tác giả biết. Tự yêu cầu cao mình nên Lan hay trăn trở, cô đã mất đúng 21 ngày chỉ để suy nghĩ dịch tên sách The ginger man thành “Người đàn ông đào hoa”. Đây là tác phẩm đã bán được hơn 50 triệu bản của nhà văn J. P. Donleavy.
Lan tự quy định mỗi năm phải dịch một cuốn sách về người kém may mắn vượt lên số phận. Và cô cũng đam mê lĩnh vực văn hóa, lịch sử. Chính cô đã dịch quyển Từ sông Nile đến sông Jordan của tác giả Ada Aharoni. Một tác phẩm đầy giá trị nhân văn cũng như lịch sử nói về biến động cuộc sống lẫn tâm hồn người Do Thái sau Thế chiến thứ hai. Chỉ trong đêm Lan đọc một mạch hết nguyên tác, rồi đọc đi đọc lại. Vừa dịch Lan vừa tìm thêm tư liệu chiến tranh thế giới và lịch sử Do Thái để thấu hiểu tận cùng ý nghĩa sách này. Dịch đến những trang thơ ước nguyện hòa bình cuối cùng trong sách, Lan xúc động làm bài thơ A wish to see your face tặng tác giả, trong đó có những câu thơ nói rằng Lan đã mơ thấy gương mặt hòa bình của tác giả.
Từ năm 2002 đến nay, Lan đã dịch được 14 tác phẩm và bốn sách sắp xuất bản, trong đó có tiểu thuyết nổi tiếng Triệu phú khu ổ chuột. Gần đây, Lan gửi tặng tác giả Ada Aharoni truyện ngắn Người cha điếc nói về nỗi buồn chiến tranh của cô. Tác phẩm được đem ra đọc tại diễn đàn quốc tế phát triển văn học, văn hóa vì hòa bình. Lan còn được mời làm đại diện của diễn đàn ở VN, nhưng cô đành từ chối vì không thể đi lại bình thường. Người phụ trách ký kết hợp đồng với Lan để dịch cuốn Triệu phú khu ổ chuột gần rơi nước mắt khi nghe Lan kể nỗi niềm của mình: cô lo lắng nếu sức khỏe mình có mệnh hệ gì phải dở dang cuốn sách thì phải thanh toán hợp đồng như thế nào. Lan vẫn muốn làm việc hết mình dù ngày mai chưa biết ra sao...
QUỐC VIỆT
tuoitre.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét