Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

Không gục ngã - Kỳ 4: Ngọn nến không tắt

TT - Nguyễn Bích Lan làm cô giáo lớp học cây táo được bốn năm thì kiệt sức. Nhiều hôm Lan lả người và quỵ ngã giữa lớp, mẹ đưa Lan lên Bệnh viện Thái Bình. Bác sĩ bắt nhập viện ngay. Các xét nghiệm đều chẩn đoán cô đã bị thêm bệnh suy tim nặng. Mẹ lo lắng, còn Lan cố gượng cười: “Suy tim chứ có phải đã ngừng tim đâu mẹ!”.

Sức khỏe yếu không còn được dạy, Lan chỉ có thể quanh quẩn trong nhà, lúc khỏe lắm thì chăm sóc cây - Ảnh: QUỐC VIỆT

Ngọn nến trước gió

Nhưng về đến nhà Lan không thể nén được nỗi buồn. Cô ám ảnh lời bác sĩ tiên đoán về bệnh rối loạn dưỡng cơ biến chứng qua tim sẽ làm bệnh nhân chết sớm. Lần này Lan yếu hơn các lần trước, những muỗng cơm không còn cảm giác trên lưỡi. Lan gần như phải nằm liệt giường, đến mỗi việc lật những trang sách cũng làm cô kiệt sức. Mấy lần Lan cố đứng lớp đều không nổi, lớp học cây táo đành phải giải tán. Hôm chia tay, học trò đứng quanh giường cùng khóc với Lan, còn Lan tưởng mình không thể gượng dậy được nữa. Nhìn mẹ mà cô lặng lẽ ứa nước mắt, nghĩ đến lúc phải chia xa!

Suốt nhiều tháng liền Lan nằm thoi thóp. Bệnh tình ngày càng nặng. Mùa đông xám xịt. Mây trắng không còn lang thang trên nền trời xanh biếc. Những khóm hoa trước sân nhà cũng héo tàn. Những lần trở bệnh trước, Lan còn hi vọng tìm được một phương pháp điều trị hay phép mầu nào đó sẽ đến với mình. Nhưng lần này cô đã hiểu không thể… Trong các cơn mê man, Lan hình dung ngày cuối của mình. Cô không khóc mà nước mắt cứ ứa trên gương mặt hốc hác, xanh xao. Đây là khoảng thời gian suy sụp cả thể xác lẫn tinh thần nặng nề nhất của Lan. Nhiều đêm mất ngủ, Lan thiêm thiếp chờ tiếng gà gáy xua bóng đêm để biết mình còn được đón thêm một ngày mới.

Trong những ngày tưởng như cuối cùng đó, Lan càng yếu mẹ càng tỏ ra cứng cỏi. Bà không bao giờ khóc hay nói một lời buồn trước mặt con gái. Bà cũng không an ủi bằng lời mà bằng chính ánh mắt ấm áp chứa chan hi vọng của người mẹ. Còn chị gái Kiều Lương và em trai Minh Đức hễ rảnh rỗi lại quanh quẩn bên Lan, suốt ngày kể chuyện vui để Lan quên buồn. Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng cũng thường về thăm cháu, mang theo hai cái bao to tướng: một bao thuốc nam và một bao sách cho Lan đọc khuây khỏa. Cô Hồng gợi ý Lan tiếp tục niềm đam mê ngoại văn để làm dịch thuật, mặc dù lúc đó Lan chưa bao giờ có mơ tưởng này.

Sau một chuyến đi công tác xa, em trai Minh Đức mang về tặng Lan chiếc máy tính xách tay cũ. Cậu cố ý tặng chiếc máy tính nhỏ gọn để Lan có thể sử dụng được ngay trên giường bệnh. Việc đầu tiên Lan phải học là nhớ nút tắt, mở máy tính như thế nào. Tuy nhiên, trong bệnh tật cô lại học rất nhanh. Chỉ ít ngày Lan đã sử dụng thành thạo vi tính căn bản.

Shirly Cheng - người bạn mới của Lan - Ảnh tư liệu

Cầu vồng sau cơn mưa

Một hôm, Lan lang thang trên mạng, bất ngờ nghe tim nhói lên vì choáng ngợp trước câu chuyện quá xúc động với cô. Nó như câu chuyện cổ tích kể lại cuộc đời đầy bất hạnh và nghị lực vươn lên của thần đồng Shirly Cheng ở nước Mỹ xa xôi. Sinh năm 1983, Shirly Cheng kém Lan 7 tuổi. Lúc mới 11 tháng tuổi, Cheng đã bị bác sĩ chẩn đoán viêm khớp nặng. Suốt tuổi thơ cô bé là những ngày tháng hết ở bệnh viện Mỹ lại ở bệnh viện cổ truyền Trung Quốc nhưng bệnh tình vẫn nặng thêm.

Mãi đến năm 11 tuổi, Cheng mới đến trường học vỡ lòng trên chiếc xe lăn. Tuy nhiên, cô bé bất hạnh này đã làm được điều phi thường. Chỉ trong 180 ngày, Cheng được đặc cách nhảy lên lớp 6 vì sức học đặc biệt. Cuối năm học, tất cả bài thi của Cheng đều đạt được 100 điểm cao nhất. Và cô bé đã được trao vinh hiệu danh dự “Học sinh của năm” toàn bang New York.

Cheng lên lớp 10, mắt tự nhiên mù hoàn toàn. Nhưng cô vẫn dùng đôi tai để ghi nhớ bài giảng, kể cả các môn toán, lý, hóa. Và cuối năm cô vẫn đạt điểm trung bình 97/100. Ước mơ thành giáo viên sinh vật, nhưng 14 tuổi Cheng lại nhận được nhiều giải thưởng thơ - truyện, trong đó có cả giải nhất “Hãy là ngôi sao” của cuộc thi viết văn toàn nước Mỹ. 23 tuổi, Cheng đã xuất bản bốn cuốn sách được yêu thích Dance with your heart (Vũ điệu trái tim), Daring quests of mystics (Những cuộc tìm kiếm điều thần bí), Walking spirit (Linh hồn lãng du) và tự truyện dày 700 trang The revelation of a star’s endless shine (Ánh sao vĩnh cửu). Chỉ bằng phần mềm Jaws cho người mù, Cheng đã là tác giả năm cuốn sách văn học, đồng tác giả bảy quyển sách nổi tiếng khác… Không đến trường được, Cheng tự học trung học ở nhà. Rồi cô nhờ mẹ dẫn đi thi tốt nghiệp và được điểm cao nhất.

Cuộc đời không đầu hàng số phận ở cách xa hàng ngàn kilômet thổi bùng lên ngọn lửa tình yêu cuộc sống mới trong Lan. Lan đứng dậy khỏi giường bệnh, nước mắt tràn trên gương mặt cô, nhưng không phải vì đau buồn mà choáng ngợp xúc động. Ngay đêm đó Lan gửi mail cho Cheng tâm sự về làng quê bên bờ sông Hồng, về bệnh của mình và cả lòng thán phục bạn.

Thật lạ, chỉ lát sau Cheng đã xúc động hồi âm: “Tôi vô cùng vui sướng và vinh dự được làm bạn với bạn. Bạn là người có tâm hồn và rất lạc quan, vì vậy thật là tuyệt khi được làm bạn với một người như bạn. Mặc dù tôi không quen biết ai mắc căn bệnh giống bạn, nhưng tôi đã đọc về nó và biết nó có thể gây đau đớn, tàn phá cơ thể người ta. Tôi biết nhiều trẻ em đã chết vì căn bệnh này, vậy nên bạn là người đã vượt qua và sống sót cả về thể xác lẫn tinh thần. Tôi rất tiếc khi biết bạn phải chịu đựng những đau đớn khủng khiếp như vậy, nhưng bạn hãy tin rằng đau đớn sẽ không kéo dài mãi được”.

Thế là Lan và Cheng, người ở Mỹ, người ở Thái Bình, Việt Nam trở thành bạn. Dù chưa một lần được gặp nhau, đôi bạn vẫn cảm thấy có mối liên hệ rất đặc biệt. Đôi bạn thường hỏi thăm, động viên nhau qua thư điện tử. Mỗi ngày khi thức dậy và đi ngủ, Lan đều mở thư của Cheng. Và nếu không có mail Lan rất buồn lo, biết bạn đã bệnh nên không viết thư cho mình được.

Lan tế nhị không dám gửi ảnh mình cho Cheng vì sợ bạn không xem được. Nhưng Cheng vẫn đòi Lan gửi để mẹ mô tả Lan cho mình biết. Lan ứa nước mắt đọc tâm sự của bạn: “Mình cất kỹ ảnh của Lan, để ngày nào đó được sáng mắt mình sẽ xem ảnh bạn đầu tiên!”. Cheng còn hứa: “Nhất định sẽ có ngày mình đi thăm bạn”. Còn Lan gửi gắm vào em trai đang làm viễn thông, có dịp đi Mỹ sẽ thăm Cheng thay mình. Cheng không có đôi mắt bình thường để ngắm thiên nhiên nhưng vẫn rất thích cầu vồng. Trong các thư, Lan hay mô tả cho bạn biết cầu vồng ở quê hương Thái Bình, đó là những dải màu hiện lên lấp lánh sau cơn mưa và hoa cỏ cũng xanh tươi hơn. Cheng xúc động trả lời ngay: “Mình đã thấy cầu vồng rất đẹp bằng đôi mắt bạn!”.

Chính chuyện đời Cheng và tình bạn đặc biệt đã giúp Lan thêm nghị lực vượt qua bệnh tật. Thấy Lan gượng dậy được và lại tràn đầy tình yêu cuộc sống, người nhà mừng đến ứa nước mắt. Một buổi sáng, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng đem về cho cháu sách nguyên tác Never doubt my love (Đừng nghi ngờ tình yêu của anh) của Daisy Thompson (Úc). Cô nói nhẹ nhàng với Lan: “Nếu thấy thích, cháu hãy dịch thử quyển này cho khuây khỏa”.

QUỐC VIỆT

tuoitre.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét