Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

Không gục ngã - Kỳ 2 : Không có phép màu


Không gục ngã - Kỳ 2: Không có phép màu

Bạn bè gần xa từ trước đến nay luôn chia sẻ với Lan lúc ốm đau - Ảnh: Quốc Việt

TT - Nguyễn Bích Lan giữ được bình thản ở bệnh viện, nhưng về nhà cô úp mặt xuống gối lặng lẽ khóc suốt đêm. Cô khóc không phải vì đau hay sợ hãi cái chết mà vì thương bố mẹ, thương bà. Mọi người đã hết lòng chăm sóc cô và chưa bao giờ nguôi hi vọng.

Không gục ngã - Kỳ 2: Không có phép màu Nghe đọc toàn bài

Không nguôi hi vọng

Trong khi đó, trở về từ bệnh viện, mẹ Lan lấy lại được vẻ mặt bình tĩnh. Bà hay mỉm cười, động viên con: “Chẳng sao đâu con ạ. Trời xanh có mắt. Con mẹ ngoan hiền, đã làm gì nên tội với ai đâu. Mẹ tin rằng sẽ có ngày con khỏi bệnh”. Tuy nhiên, hình như chính bà nội Lan mới thật sự là người tin vào phép mầu nhất. Bà lọ mọ chống gậy lên chùa xin tàn nhang ở bát hương thờ Phật để hoà nước cho cháu uống. Thương bà, Lan cũng cố nuốt. Lần đầu uống, nước nhang vừa đến cổ đã chực trào ra, nhưng Lan ngậm chặt miệng lại để khỏi bị ói trước mặt bà và lại cố nuốt xuống. Hết chùa này lại đến chùa kia, rồi bà nội Lan còn xin cả nước thánh nhà thờ với niềm tin “có bệnh thì vái tứ phương”.

Trong lúc đó, mẹ Lan chuẩn bị cả một kế hoạch dài hạn để chữa chạy cho con. Bà lại nghỉ dạy không lương, vay mượn tiền nong để dẫn Lan đi khắp các bệnh viện miền Bắc với hi vọng một bác sĩ nào đó sẽ có cách cứu con mình. Lúc này, bệnh tình của Lan đã tàn phá nặng nề cơ thể cô. Từ hơn 40kg, giờ cô còn chưa được 30kg. Cổ tay, cổ chân cô rút nhỏ lại bằng nửa người bình thường, các khớp xương cũng như bị dính chặt với nhau.

Lan nâng chén cơm không nổi, đến việc đưa cái muỗng vào miệng cô cũng phải dùng tay trái cầm bắp tay phải để trợ lực thêm cho tay này nâng muỗng cơm. Mỗi lần đi khám xa, Lan ngại nhất là lên xuống bậc xe và cầu thang bệnh viện. Có lần cô bị té chảy cả máu đầu. Bố mẹ thường phải bế hoặc đỡ cô lê từng bước thật chậm.

Năm đầu chạy chữa, Lan còn cố nhớ bao nhiêu lần đặt chân đến bệnh viện, nhưng về sau hết nhớ nổi. Bệnh viện và những con đường đi đến đó đã trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp với cô, song ngoài mặt cô vẫn nén đau đớn để giữ vẻ tươi cười, lạc quan. Cô xót xa mẹ đã khổ vì mình lắm rồi, không muốn mẹ phải buồn thêm nữa.

Lang thang hết các bệnh viện, mẹ Lan lại gửi gắm hi vọng vào thuốc bắc, thuốc nam. Ai chỉ thầy lang nào giỏi, bà cũng lần mò tìm đến dù xa xôi ở tận núi rừng nào. Một người thân luyện tập nhân điện ở Đà Nẵng cũng đón xe ra Thái Bình để thử chữa cho cô. Rồi Lan lại tiếp tục chịu đau và hi vọng với châm cứu, vật lý trị liệu…

Kiên nhẫn chạy chữa mọi phương pháp nhưng căn bệnh kỳ lạ của Lan vẫn không thuyên giảm. Thương mẹ vất vả quá, Lan phải thốt lên: “Thôi, đừng đưa con đi khám nữa mẹ ơi!”. Nhiều lúc Lan kiệt sức đến lả người, cô nằm liệt trên giường, mê man về cái chết đang chờ đón mình, dù vẫn giấu nước mắt trước mặt mẹ. Tuy nhiên, chính lúc khó khăn, suy sụp nhất này mọi người lại càng dang tay ra chia sẻ, cưu mang Lan nhiều hơn.

Mẹ Lan phải đi dạy học lại để xoay xở gia đình, nhưng lúc rảnh rỗi bà gắn chặt với con như hình với bóng. Thời đoạn kinh tế khó khăn, bà phải còng lưng đạp xe chở thêm cả cây chuối, dây khoai để đổi lạng thịt, con cá bồi dưỡng cho con. Bọn trẻ hàng xóm thương chị Lan ốm nên hay sang chơi hơn.

Người lớn sợ chúng làm phiền Lan đang mệt, nhưng thật sự bọn trẻ lại làm cô vui, tạm quên bệnh tật của mình. Đặc biệt, em gái của bố Lan là nhà thơ Nguyễn Thị Hồng rất thương Lan. Ngoài tặng hàng trăm thang thuốc bắc bổ dưỡng cho cháu, cô còn hay chia sẻ với cháu những quyển sách, những bài thơ tràn đầy tình yêu cuộc sống.

Dù ngày mai có chết, hôm nay cũng không được phép gục ngã

Không gục ngã - Kỳ 2: Không có phép màu

Giờ thì Lan đã có máy tính nối mạng. Trước kia cô phải học ké ngoại ngữ bằng sách của em - Ảnh: Quốc Việt

Một hôm Lan quyết tâm gượng dậy. Cô nhủ lòng rằng mình bị bệnh thể xác nhưng tinh thần vẫn khoẻ, và dù ngày mai có chết thì hôm nay cũng không được phép gục ngã. Việc đầu tiên cô thực hiện là mượn những quyển sách tiếng Anh của cậu em đang theo học phổ thông để tự học ở nhà. Lần đầu tiên bập bẹ vỡ lòng ngoại ngữ, Lan rất lúng túng nhưng vẫn quyết tâm.

Mỗi ngày Lan dành thời khoá biểu dài sáu giờ buổi sáng và chiều cho học tiếng Anh. Những trang sách ngoại ngữ như mở cửa ra thế giới bên ngoài cho cô gái bệnh tật phải quanh quẩn trong nhà. Chúng cũng gợi lại cho Lan ước mơ được phiêu lưu thế giới từ thời thơ ấu chưa bị bệnh.

Càng học ngoại ngữ Lan càng mê. Nhiều hôm Lan miệt mài tự học 8-10 giờ. Đến nỗi khi mẹ la giữ gìn sức khoẻ Lan mới chịu gập sách, đi ngủ. Ban đầu chưa có máy học phát âm, Lan phải nằm im trên giường nghe em trai đọc lại từ ngữ được cô giáo dạy ở lớp rồi thì thầm học lóm. Lan còn đọc thêm các sách giáo khoa trong chương trình cấp III của em để bổ sung kiến thức mà mình buộc phải nghỉ ngang.

Sau hai năm tự học, Lan hoàn thành chương trình ngoại ngữ ở bậc phổ thông. Cô vẫn cảm thấy mình cần phải học sâu thêm, chỉ có điều cô chưa biết mình sẽ học như thế nào trong ngôi nhà giữa làng quê hẻo lánh này. Một hôm, cô em gái Hoàng Hà, con của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng, từ Hà Nội về chơi và tặng chị bộ giáo trình tiếng Anh của Đại học Ngoại ngữ Hà Nội mà mình đang học. Lan mừng như mình được khỏi bệnh. Ngay tối hôm đó cô bắt đầu dấn thân vào thế giới tiếng Anh chuyên sâu.

Hình như chính hoàn cảnh bệnh tật đặc biệt đã giúp Lan thêm niềm đam mê. Hôm nào kiệt sức cô đành phải nghỉ sớm thì lại cố học bù vào hôm sau. Không có thầy kèm cặp nhưng Lan học rất nhanh. Mỗi khi cập nhật được giáo trình, tài liệu mới Hoàng Hà lại gửi ngay về cho chị. Lan nâng niu chúng như thuốc quý của mình. Quyển sách nào được tặng, Lan cũng nắn nót dòng chữ cảm ơn người đã gửi ngay trên trang đầu tiên. Điều này cũng nhắc cô nhớ mình không được phụ lòng mong mỏi của người khác.

Một niềm đam mê cũng như phương pháp trau dồi việc tự học của Lan là đọc sách ngoại văn. Ở quê nghèo Thái Bình loại sách này hiếm như vàng. Nhưng Lan may mắn được mẹ con cô Hồng tìm giúp ở Hà Nội. Thường đó là những quyển sách văn học nguyên tác rất quý, rất có giá trị cho Lan luyện thêm ngoại ngữ và cảm thụ văn chương.

Sau bốn năm tự miệt mài học, Lan hoàn tất chương trình đại học ngoại ngữ. Để bổ sung kiến thức cho mình, cô mượn thêm các giáo trình khoa học xã hội và nhân văn để nghiền ngẫm. Cô say mê những sách văn hoá và lịch sử thế giới. Chúng như dẫn dắt trí tưởng tượng của cô đi đến những miền đất mà cô không thể tự đi bằng đôi chân của mình.

Nhìn thấy con gái bất hạnh có niềm say mê và học hành thành công, mẹ Lan mừng mừng tủi tủi. Bà tủi vì xót con không được như bạn bè lên học hành vui vẻ ở Hà Nội. Bà mừng vì con mình đã không gục ngã trước số phận. Hiểu lòng mẹ, Lan luôn nở nụ cười tự tin: “Con vẫn học giỏi mà mẹ. Rồi con sẽ làm được nhiều việc cho mẹ xem”.

Đó là những lúc căn nhà nhỏ của mẹ con Lan rộn lên tiếng cười tình yêu cuộc sống.

Nguồn tuoitre.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét