Vừa đặt chân xuống nền hầm, anh lập tức chìa hai tay ra đón đứa em gái nhỏ. Như mọi lần, việc xuống hầm của tôi diễn ra chậm chạp, nhùng nhằng thể hiện ít nhiều sự chống đối. Nhưng lần này có vẻ mẹ tôi cũng không khẩn trương lắm.
Minh họa: Hoàng Tường |
- Mẹ, xuống nhanh đi, mẹ! - Anh tôi thò đầu lên miệng hầm thúc giục.
Cuối cùng thì bốn mẹ con tôi cũng đã ở yên trong hầm.
- Cha đâu? - Tôi hỏi ngay khi cảm nhận được căn hầm bớt chật chội do không có cha.
Mẹ và anh tôi không ai trả lời. Em gái tôi bắt đầu cự lại bóng tối bằng điệp khúc "ta ta ta" của nó.
Với tôi hầm tránh bom là một nơi đáng ghét. Suốt thời gian ở trong đó tôi luôn cảm thấy khó thở, bức bối và ngứa ngáy chân tay. Còn nữa, ở trong hầm trú bom người nhà tôi không nói chuyện với nhau.
Tôi chẳng biết làm gì khác hơn là theo đuổi những ý nghĩ về trận ném bom. Tôi áp tai vào vách hầm lắng nghe.
Dường như trên mặt đất rất ồn. Những tiếng gì đó nghe ầm ù như thể một cơn dông lớn kèm theo sấm đang tràn tới làng. Tôi băn khoăn không biết những chiếc máy bay ném bom, cái thứ phát ra âm thanh giống cơn dông ấy, có kèm theo mưa hay không. Nếu nó mang theo mưa thì chúng tôi sẽ chết đuối trong hầm mất. Chết, dù gì cũng chết. Nhưng chết nghĩa là gì nhỉ?
Mười phút trôi qua và có vẻ như mặt đất đã trở lại yên tĩnh. Tôi nhấp nhổm muốn đứng dậy nhưng bị mẹ túm áo bắt ngồi yên.
Chúng tôi đợi thêm mười phút nữa cho tới khi những con gà mái trong vườn bắt đầu cục tác.
Mẹ tôi leo lên mặt đất trước nhất. Sau khi đã chắc chắn về sự an toàn, mẹ cho phép chúng tôi lên theo.
Ra khỏi hầm luôn khó hơn lúc vào. Mẹ tôi phải kéo tay tôi trong khi anh tôi đẩy cái mông chậm chạp của tôi lên.
Lên tới mặt đất tôi đưa mắt nhìn xung quanh. Vườn, nhà, ao chuôm của chúng tôi vẫn y nguyên không có gì khác. Tôi đưa mắt nhìn xa hơn tới những nhà hàng xóm. Tất cả vẫn như cũ. Tôi hơi thất vọng khi nghĩ rằng trận ném bom chẳng để lại một dấu vết nào. Đài nói rằng đã năm lần máy bay ném bom vùng này nhưng tôi vẫn chưa có tí khái niệm nào về một đợt ném bom cả.
Mẹ tôi luôn bắt chúng tôi xuống hầm ngay lúc tiếng kẻng báo động đầu tiên vang lên và ở dưới hầm chúng tôi đâu có thể nhìn xuyên qua đất để mà biết một đợt ném bom nó ra làm sao. Tôi ước tôi có đủ can đảm chống lại cái luật tránh bom của mẹ để ở lại trên mặt đất chứng kiến tận mắt một đợt ném bom. Có lẽ tôi chẳng cần phải làm gì nhiều, chỉ cần "quên" về hầm như cha tôi là đủ.
Anh trai tôi bảo rằng bom nghĩa là chết, mặc dù anh ấy cũng chưa bao giờ thấy một đợt ném bom. Anh ấy giải thích như thế thì thà đừng giải thích còn hơn. Tôi cũng có biết chết là gì đâu.
"Đừng có quên đấy!" - mẹ tôi lên tiếng cảnh báo khi chúng tôi mới chỉ rời cái miệng hầm tránh bom được một hoặc hai bước chân.
Tôi không thích cái luật của mẹ. Tôi ghét phải sống với một cái luật như thế. Trẻ con cần phải chạy nhảy, cần được đi chơi lang thang trong khi cái luật của mẹ không cho phép chúng tôi ở cách xa hầm tránh bom quá mười bước chân. Vi phạm một bước bị phạt mười roi. Tôi hỏi mẹ bằng giọng cáu kỉnh: "Mãi mãi chúng con sẽ phải thế á?". Mẹ lườm tôi, đáp: "Hết ném bom hẵng hay".
Cái luật đó không chừa cha tôi. Mẹ dắt tay cha ra tận cửa hầm như mẹ đã làm với chúng tôi và nói to như quát, rõ ràng là để cái luật của mẹ xâm nhập bằng được vào lỗ tai không bình thường của cha.
Mẹ tôi bảo vì có những trận ném bom nên mẹ mới phải ra cái luật đó, nhưng vì tôi chẳng biết tí gì về một trận ném bom nên tôi không thể tức nó được. Tôi chỉ có thể tức mẹ. Tôi tức mẹ thay cho cả cha nữa. Cha không được tự do đi thả đó cá ở ngoài sông cũng giống như tôi không được đem cái cù đi các ngõ chơi vậy. Tôi tức mẹ đến nỗi đâm ra nghe lọt tai những lời chê bai sau lưng mẹ của cô tôi.
Cô tôi bảo mẹ tôi lúc nào cũng muốn làm bà tướng, rằng vì cha điếc nên mẹ bắt nạt cha. Cô tôi bảo rằng lẽ ra mẹ tôi nên biết ơn "cái điếc" của cha tôi mới phải bởi nếu không có nó thì cha tôi đã đi B từ lâu rồi; nếu không nhờ nó, mẹ tôi có lẽ chẳng còn chồng, chỉ còn cái giấy báo tử thôi. Mẹ và cô tôi đều yêu cha tôi nhưng họ lại ghét nhau, thật kỳ.
Mẹ nấu cơm trưa trong khi tôi và anh tôi thay nhau trông em gái. Mùi cơm sôi tỏa ra từ trong bếp khiến tôi sực nhớ đến cha. Tôi muốn đi tìm cha. Tôi ló đầu vào cửa bếp hỏi mẹ: "Mẹ ơi, sắp ăn cơm rồi, con đi tìm cha nhé?".
Mẹ cắn môi chau mày nhìn tôi. Rõ ràng là mẹ còn bực cha lắm. Tôi tưởng mẹ không cho tôi đi nhưng đột nhiên mẹ phẩy tay: "Sang cô Hòa mày mà gọi".
Mẹ tôi có lý. Chồng cô Hòa tôi đi B nên cha thường sang nhà cô giúp cô làm những việc của đàn ông. Tôi sẽ đến nhà cô Hòa, hẳn rồi. Nhưng tôi còn muốn qua nhà bà Ngâu, nhà cụ Thạo, muốn làm một chuyến quanh làng. Tôi cứ đi cho sướng cái chân miễn sao cuối cùng tôi tìm được cha về.
Thật thích khi có được một lý do để ngó vào mọi nhà trong làng. Tôi nhảy chân sáo qua cái cổng xây bằng gạch đỏ của nhà bà Ngâu, thò đầu vào cửa nhà cụ Thạo, kiễng chân nhìn qua cửa sổ nhà bác Tá nói chuyện với thằng Hùng con trai bác ấy một lát rồi lượn sang chùa kiếm một ít trái cây của cụ Từ.
Tôi thấy người làng truyền nhau tin về trận ném bom. Người ta bảo xã bên bị dính bom. Một người chết và ba người khác bị thương. Tất cả các nạn nhân vì những lý do khác nhau không kịp tới hầm trú ẩn. Tôi thấy sự nhẹ nhõm trên những khuôn mặt tôi gặp. Họ cười với tôi. Tôi cười với họ. Nhưng cha tôi đâu?
Tôi đến nhà cô tôi ở cuối làng. Cha tôi không có ở đó. Tôi quay ra bến sông nơi cha thường ngồi đợi nhấc những đó cá.
Bờ sông vắng teo. Nắng trưa gay gắt làm tôi chói mắt. Tôi cảm thấy đói cồn cào và cảm thấy bực với cha tôi.
Tôi về nhà với tin tức về trận ném bom. Mẹ không bình luận gì, chỉ giục chúng tôi mau đi ăn cơm còn mẹ thì ra giếng giặt.
Không có cha, tôi phải tự gỡ cá lấy, thỉnh thoảng tôi phải thò ngón tay vào kẽ răng cạy một chiếc xương răm mắc trong đó. Tôi đang ngồi trên bậc cửa nhai cơm thì chợt thấy hai người đàn bà đi từ phía đê xuống, vừa đi vừa nói chuyện với nhau. Người đàn bà béo đội chiếc nón vá bằng một mảnh vải màu tro nói: "Cái nhà anh ấy bị bom cưa mất một chân nhưng chính vết thương ở bụng mới là vết thương chết người".
Rồi bà ta nói thêm: "Kẻng báo động đánh chuẩn lắm. Anh ta điếc hay sao mà không nghe thấy".
Điếc. Chính cái từ ấy làm mẹ chết lặng. Tôi thấy tay mẹ đờ ra trong chậu giặt, rồi mẹ đứng dậy co chân chạy về phía hai người đàn bà vừa đi qua cửa nhà chúng tôi.
Tôi thấy hai người đàn bà chỉ tay về phía bờ sông và mẹ hớt hải chạy về hướng đó.
Chúng tôi chạy theo mẹ, bỏ chỗ cơm đang ăn dở cùng cái luật tránh bom lại phía sau.
Cho đến khi đặt chân lên đê tôi mới hiểu ra rằng trong chuyến đi tìm cha lúc trước tôi đã bỏ sót một điều.
Ở đoạn đê xa xa về phía bắc, quãng giáp ranh giữa làng tôi và làng kế bên có một cây gạo to. Nó nổi bật trên đê nhờ cái tán lớn. Tôi đã đến đó một lần để hái những bông hoa đỏ rực rỡ của nó. Đó là lần đầu tiên tôi tới đó, cũng là lần cuối cùng bởi mẹ tôi đã phát hiện việc ấy và cho tôi một trận đòn đau.
Giờ đây cái cây ấy đứng trơ trọi như một cái ô đã cụp. Nó bị cắt cụt ngọn. Trận bom. Chúng tôi nhận ra một đám người túm tụm ở một đoạn chân đê.
Mẹ chạy tới đó. Chúng tôi cố đuổi kịp mẹ.
Mẹ chạy vào giữa đám người, nhào tới chỗ một người đàn ông nằm sóng soài trên cỏ. Người ấy nằm sấp, hai cánh tay dang ra hai bên như một cây thánh giá. Một tấm chăn cũ màu nâu phủ kín phần thân thể bên dưới của người đàn ông. Tấm chăn có những chòm sẫm, màu của máu. Cách đó chừng ba bước chân, một cái đó đơm cá nằm chỏng chơ trên cỏ.
Người nằm đó là cha tôi.
Mẹ tôi cố lật người cha tôi lên, cố ôm cha bằng cả hai tay một cách tuyệt vọng. Mặt mẹ áp xuống vai cha. Tóc mẹ xổ tung, phủ khắp ngực cha. Người mẹ giật lên từng cơn dữ dội. Rồi mẹ nằm vật ra không động cựa.
Em gái tôi bập bẹ gọi "ta ta ta" và nhoẻn cười. Tôi và anh tôi gọi cha nước mắt dàn dụa.
Cha tôi không nhúc nhích, không mở mắt. Bằng cách nào đó tôi hiểu cha sẽ không bao giờ trả lời chúng tôi.
Bây giờ thì tôi đã biết thế nào là một trận ném bom. Bây giờ tôi cũng đã biết chết nghĩa là gì. Tôi muốn nói với cha rằng đáng lẽ cha không nên vi phạm luật tránh bom của mẹ, đáng lẽ cha không nên đi xa như thế để tìm những chiếc đó đơm cá, đáng lẽ cha không nên bị điếc... đáng lẽ...
Nhưng tôi biết cha tôi không nghe tôi nói, không nghe nữa, bây giờ và mãi mãi.
Người ta không tìm thấy một bên chân bị bom cắt của cha tôi. Họ nói rằng bất cứ lúc nào cũng có thể có bom vì vậy mọi người không nên ở bờ sông lâu. Chúng tôi đưa cha về.
Vào một ngày khác, khi không còn những trận ném bom, anh em tôi sẽ ra bờ sông này tìm bằng được một bên chân đã mất cho cha.
Truyện ngắn của NGUYỄN BÍCH LAN
"Chết nghĩa là gì nhỉ?", không dưng mà tác giả khắc khoải với điều cay nghiệt ấy. Thế là nhà văn hóa thân thành một đứa trẻ làng quê thời chạy bom trong tiếng kẻng. Chiến tranh đã sống lại, cha mẹ, anh em, xóm làng hiện lên chân thực, lạ thường. Chiến tranh đó, chiến tranh thật kỳ khôi và vô lý. Truyện của Nguyễn Bích Lan thường có sức khái quát cao, riêng cho chúng ta sự thú vị đặc biệt vì tác giả sinh năm 1976. Khoảnh khắc của chiến tranh được tái hiện bằng tài năng chứ không phải bằng trải nghiệm của chính nhà văn.
Bản tiếng Anh của trước đó đã được gửi đến một nhà văn nữ quen biết người Israel. Một truyện ngắn tuyệt vời về chiến tranh - nhà văn ấy tán thưởng và gửi đi tham dự Diễn đàn phát triển văn học, văn hóa và hòa bình ở Israel. Hữu xạ tự nhiên hương, với bản tiếng Việt này, chúng tôi tin truyện sẽ lại được độc giả ghi nhận và yêu mến như đã từng dành cho Nguyễn Bích Lan, trên tờ báo đã có công phát hiện và vun đắp cho cô.
Là dịch giả của 23 đầu sách đã in, tập truyện ngắn đầu tay của Nguyễn Bích Lan sắp được NXB Trẻ phát hành. Sống trong chờ đợi - một truyện hay trên TTCT - sẽ là tên gọi chung cho cả tập sách của cây bút trẻ đã vượt qua số phận để sống và viết.
DẠ NGÂN
Nguồn: tuoitre.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét