Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Truyện ngắn: Người trong bão

Năm giờ chiều, tôi và Nhã nằm bên nhau trên chiếc chiếu trúc trong căn nhà ba tầng mới xây của chú Hảo tôi. Gió bão đã bớt dữ dội nhưng trời vẫn mưa như trút. Tiếng mưa dội vào mái tôn trên sân thượng được khuếch đại lên nghe như nhiều tiếng trống đánh cùng một lúc. Nhã buột miệng:

Minh họa: Hoàng Tường

- Nếu cứ mưa mãi như thế này suốt một tuần thì sẽ ra sao nhỉ?

- Thì chết sạch.

- Cậu có sợ chết không?

- Không, đang muốn chết đây.

- Buồn vì Hoàng phải không?

Tôi im lặng. Tôi không muốn Nhã buồn lây. Đang nhìn lên trần nhà, bỗng Nhã quay mặt sang phía tôi, hỏi:

- Cậu muốn chết như thế nào?

- Tớ muốn chết trong một cơn mưa. Mát mẻ và sạch sẽ.

Không cần suy nghĩ, tôi đáp như ngày xưa khi tôi và Nhã là những đứa trẻ chín mười tuổi rất lơ ngơ về đời và hễ bập vào chủ đề nào là y như rằng đẩy chủ đề đó đến điểm tận cùng với sự tưởng tượng ngớ ngẩn đến tức cười. Bây giờ tôi và Nhã đều đã bước sang tuổi ba mươi và chúng tôi không ai cười trước điều tôi vừa tưởng tượng ra.

Rất bất ngờ, Nhã nói:

- Mình nghĩ tốt nhất là được chết ở một nơi như trong cái lều giữa đầm sen của ông Bao. Một tối hít đầy hương sen, gió đầm, uống cạn những nậm rượu ông ấy treo quanh lều, say và chẳng biết gì nữa hết... để mặc mưa nhấn chìm mãi mãi... mãi mãi.

Tôi đập tay vào người Nhã:

- Cậu tự nghĩ ra được cái kiểu chết ấy đấy à, bà giám đốc bưu điện văn hóa xã?

- Mãi mãi, không phiền hà đến ai, không mang tiếng gì. Không ai bảo mình dại, không ai bảo mình thoái chí, chỉ thương mình xấu số...

Chủ đề đã được đẩy đến điểm tận cùng nhưng Nhã vẫn bám riết lấy nó bằng một giọng buồn đến rợn người. Tôi không chịu được, nhổm dậy chống khuỷu tay xuống chiếu nhìn Nhã. Trong ánh chiều đã nhòa đi vì màn mưa tôi nhận ra hai giọt nước mắt ứa ra từ khóe mắt Nhã. Tưởng tượng của tôi và một hiện thực nào đó của Nhã đã vênh nhau đến độ cần phải được tách bạch riêng rẽ. Tôi nghiêm túc hỏi Nhã:

- Cậu có chuyện gì?

Nhã quay mặt đi, nuốt những giọt nước mắt khác.

Tôi gặng hỏi:

- Sao? Giấu ai thì giấu nhưng không giấu tớ, đúng không?

Nhã gật đầu từ phía bên kia chiếu, rồi lời Nhã bật ra:

- Mình sắp chết.

- Cậu điên à, tuổi ba mươi là cái tuổi khó chết nhất đấy.

- Tớ bị u não. Phát hiện cách đây hai tháng. U mới chỉ nhỏ thôi. Giờ tớ chỉ thỉnh thoảng mới bị một cơn đau đầu dữ dội, thỉnh thoảng bị tê tay nhưng cơn đau rồi sẽ tăng, sẽ đau đến chết.

Nhã nói dồn dập. Tôi lặng đi như bị tê liệt. Tôi chấp nhận sự thật với những cái nuốt khan cay đắng. Tôi bảo Nhã:

- Phải đi mổ chứ.

- Ừ, nhưng có mổ thì khả năng thành công cũng rất thấp, kể cả có thành công cũng chỉ được một thời gian khối u vẫn lại mọc lên. Tóm lại là tốn kém, khổ mình, khổ mọi người mà kết cục vẫn thế.

Nhã đang khóc. Tôi không dám ôm Nhã. Tôi không dám nhìn Nhã. Tôi nhìn ra mưa. Mưa, tôi và Nhã. Bao giờ cũng là mưa, tôi và Nhã. Mưa rơi lộp độp trên những tàu lá chuối chúng tôi xếp trên những cành rào giả làm nhà. Mưa rơi rào rào trên tấm áo mưa tôi và Nhã che chung trên đường đi học.

Mưa mù mịt cả cánh đồng trùm lên tôi và Nhã, trùm lên những gồi cỏ chúng tôi chưa kịp thu nằm rải rác trên các bờ ruộng. Mưa chan chan trên mặt Nhã và tôi giữa cái ngày tôi làm phù dâu cho Nhã. Mưa hòa nước mắt tôi và nước mắt Nhã trên nghĩa trang trong cái buổi chiều đưa tang chồng Nhã. Mưa, tôi và Nhã trong không biết bao lần tôi buồn vì chờ đợi Hoàng.

Truyện ngắn mới nhất của Nguyễn Bích Lan viết trong mùa bão lũ - những ngày cơn bão số 10 đổ vào quê nhà Thái Bình. Người trong bão hoàn thành khi lụt lội lại hoành hành dải đất miền Trung. “Xem những hình ảnh trên tivi mà không thể nào kìm được những giọt nước mắt” - gửi thư cho TTCT, cây bút trẻ đang đau đớn vì bệnh tật (“Không gục ngã”, Tuổi Trẻ ngày 12 đến 17-3-2009) nói vậy, và nói thêm: “Nếu đăng được, nhờ các anh chị chuyển nhuận bút vào quỹ giúp nạn nhân của trận lụt đang xảy ra ở Nam Trung bộ”.

Nhưng mưa, tôi và Nhã chưa bao giờ như thế này. Mưa thì quyết liệt chưa từng thấy. Nhã thì nằm quay mặt vào tường nghiền ngẫm về cái chết của mình. Tôi thì nhìn mưa, nghĩ tới Nhã và chẳng biết phải làm gì.

Ngày chồng Nhã bị ôtô đâm, tôi bảo Nhã: “Trời bắt thế thì phải chịu chứ biết làm sao”. Khi ấy tôi nói thế trong lòng còn cầm chắc rằng một người phụ nữ hai mươi tư tuổi đẹp người tốt nết như Nhã sẽ gặp và làm lại từ đầu với một người đàn ông yêu thương Nhã.

Bây giờ tôi không biết phải nói gì, không biết nên nghĩ thế nào. Nhã hiểu lòng tôi khi tôi im lặng. Nhã biết mưa lần này khác mọi lần cho dù Nhã không nhìn ra mưa.

Bây giờ mưa, tôi và Nhã còn có thêm bóng tối. Không có một mống muỗi nào trên cái tầng ba còn nồng mùi sơn này. Nhã im lặng. Tôi im lặng. Mưa vẫn đập chan chát vào cửa kính và nện thình thình trên mái tôn. Bỗng Nhã ngồi bật dậy:

- Cậu có nghe thấy tiếng gì không?

- Không - tôi trả lời khi chưa thật sự dứt ra khỏi chuỗi suy nghĩ.

- Có tiếng kẻng... hình như từ dưới mạn Hậu thì phải. Cậu thử lắng nghe mà xem.

Tôi cố tập trung lắng nghe nhưng chỉ nghe thấy tiếng mưa hỗn tạp. Nhã nói tiếp giọng đầy lo lắng:

- Chẳng lẽ đê Hậu bị vỡ rồi. Sáng nay tớ thấy ôtô chở bao nhiêu là bao bị tre pheo ra đó.

- Vỡ đê thì phải có thông báo chứ?

- Điện thì mất, đường điện thoại chưa biết chừng cũng bị đứt ở đâu rồi. Rất có thể người ta đang dùng kẻng để báo động.

- Vỡ đê Hậu thì lụt to - tôi lẩm bẩm.

Nhã bảo tôi:

- Chúng mình xuống dưới nhà xem có tin gì không đi.

- Ừ.

Tôi và Nhã đi xuống cầu thang. Chúng tôi mở cánh cửa lớn hướng ra đường và thò đầu nhìn ra ngoài mặc cho mưa quất vào mặt. Trời tối và đang có mưa to nhưng hình như trên đường có những bóng người chuyển động. Chẳng nói trước với tôi, Nhã lẳng lặng mặc áo mưa lao ra ngoài, đuổi theo luồng sáng của một chiếc đèn pin. Vớ vội áo mưa của mình trên thanh vịn cầu thang tôi lao theo Nhã. Tôi đuổi kịp Nhã khi Nhã dừng lại nói chuyện với người cầm đèn pin. Tôi nghe được tiếng người cầm đèn pin tranh trội với tiếng mưa:

- Đê Hậu nguy lắm. Thanh niên các xã xung quanh đang được huy động để hộ đê. Đã có lệnh sơ tán dân rồi.

Nhã và người cầm đèn pin chạy về hướng làng Hậu. Tôi bắt kịp và túm lấy cánh tay Nhã giật lại:

- Nhã, cậu sẽ không xuống Hậu. Cậu ở nhà, nếu tình hình khẩn cấp cậu đưa người nhà cậu và người nhà mình lên nhà chú Hảo, cả hàng xóm nữa. Chỗ đó chứa được năm sáu mươi người.

Nhã giật tay ra, tiếp tục chạy theo người cầm đèn pin. Mưa không cho tôi giằng co với Nhã cũng không cho tôi thuyết phục Nhã bằng lời. Tôi chạy theo Nhã, Nhã chạy theo những ánh đèn pin chấp chới trên đường mỗi lúc một nhiều.

Chúng tôi đã ở cách chân đê chưa đầy một trăm mét. Ngay trước mặt chúng tôi, dưới ánh đèn từ những chiếc xe công nông đứng yên để máy nổ xình xịch, mưa buông xuống như những sợi mành mành dày đặc trùm lên hàng dài người đang vác, bê, đội những thúng đất to, những bao tải cát, những hòn đá, những tấm lưới sắt, những tấm bạt, những bó rào tre, những đoạn gỗ kìn kìn tiến về phía chân đê như đàn kiến tha mồi.

Xa hơn nữa, dưới chân một đoạn đê cách dốc chính chừng bốn mươi mét có rất nhiều người túm tụm lại một chỗ với đủ các tư thế ngồi, nghiêng, cúi. Dáng họ khuất vào nhau và đoạn đê gặp sự cố khuất sau họ. Con sông nằm ở nửa của bóng tối, rên rỉ trong cơn tức nước.

Chúng tôi bỏ con đường với những chiếc xe thồ, xe kéo tay, xe công nông để rẽ xuống một bờ mương rộng xuyên thẳng ra đoạn đê đó. Tôi bị tách khỏi Nhã bởi một đoàn người từ ngoài đê đi vào. Một người đàn ông cầm mai cắm mũi mai đánh sột xuống bờ mương ngay phía sau tôi và trong vài giây một hòn đất to cỡ bằng ba bốn hòn gạch được đặt lên tay tôi. Ai đó bảo tôi chuyển hòn đất cho người đứng phía trên. Một dây chuyền tải đất được thiết lập.

Những hòn đất được chuyển liên tiếp ra phía đê và trở về là những thông tin cập nhật nhất về đoạn đê bị sụt lún. “Bao nhiêu?”. “Ba mét”. “Phải hơn”. “Nước rỉ vào chưa?”. “Hình như là rồi”. “Tiếp tục mưa nữa là gay đấy’’. Đất đi, tin về. Đất đi, tin về. Không khả quan lắm. Không có gì chắc cả.

Mưa vẫn ào ào đổ xuống. Từ phía chân đê bỗng rộ lên những tiếng la ó át cả tiếng mưa. Người ta vừa phát hiện ra một vết nứt mới cách vết nứt cũ gần hai mươi mét. Mắt tôi bị hút vào luồng ánh sáng rọi lên đoạn đê có vết nứt mới. Không ai từ chỗ chúng tôi có thể nhìn thấy vết nứt, chỉ toàn thấy người là người. Người đã đổ xô đến chỗ vết nứt như thể muốn lấy thân người mà vít kín nó.

Những hòn đất đến tay tôi mỗi lúc một nhanh. Tôi bấm ngón chân trên bờ mương đang hẹp dần cố gắng tập trung hết mức vào công việc như tình hình đòi hỏi mình phải thế trong khi vẫn cố bám sát Nhã bằng ánh mắt. Bóng Nhã lúc khuất lúc hiện trong nhóm người đang hối hả chuyển đất ở phía trên. Tôi cảm thấy đêm nay tôi không được rời mắt khỏi Nhã cũng như người ta không thể rời mắt khỏi con đê này.

Bộ đội tới trên những chiếc xe tải chở người, chở đá cùng với cuốc xẻng và những tấm lưới chắn. Họ mặc những chiếc áo mưa giống nhau, toàn một màu xanh. Những chiếc bao tải trên vai họ toàn một màu trắng. Sao trên mũ họ ánh lên những tia sáng lấp lánh. Họ di chuyển như những đợt sóng trên cánh đồng ven đê. Mưa đang ngớt dần.

***

Con đê đã trụ được. Một người lái xe tải tôi gặp ở dốc đê cho hay đã gần một giờ đêm. Tôi đã tìm Nhã suốt từ lúc lệnh ở trên đê truyền xuống rằng chúng tôi không phải chuyển đất lên đó nữa. Tôi đã lợi dụng tất cả những luồng sáng từ những ngọn đèn, đã bám theo tất cả những bóng người tôi tưởng là Nhã. Tôi đã gọi tên Nhã khắp cả quãng đồng vẫn còn lố nhố những người hộ đê. Tôi đã hỏi tất cả những ai biết tôi và biết Nhã. Tôi phải chắc chắn Nhã không còn ở ngoài đê nữa.

Tôi tìm Nhã dọc đường về qua ánh đèn pin của những người đi đường. Tới nhà Nhã tôi thấy cổng ngoài khóa kỹ chứng tỏ mọi người đã đi sơ tán cả. Tôi về thẳng căn nhà mới xây của chú Hảo. Những người sơ tán đã ở đầy cả ba tầng của căn nhà. Từ ngoài cửa tôi nghe thấy những tiếng nói chuyện, tiếng gọi nhau, tiếng dỗ trẻ vọng xuống từ trên gác. Có khoảng gần chục người đang ngồi bệt dưới sàn tầng một quanh một chiếc đèn pin Trung Quốc. Thấy tôi họ đứng cả dậy, xúm lại hỏi về tình hình đê. Tôi trả lời ngắn gọn vừa đủ để họ yên tâm rồi đi lên gác. Một thằng bé đứng bám thanh vịn cầu thang nhận ra tôi, cất tiếng hỏi:

- Cô Quế ơi! Cô có biết thím Nhã cháu đâu không? Em Thanh cháu cứ đòi thím Nhã bế mới chịu ngủ.

Thì ra thằng bé là con anh chồng của Nhã. Tôi hỏi lại nó:

- Thế thím ấy chưa về đây sao?

- Chưa, thím ấy đưa bà, cháu với em Thanh đến đây xong thím ấy lại đi.

Tôi quay xuống mượn chiếc đèn pin của những người ở tầng một rồi lao ra ngoài.

Cái lều của ông Bao coi đầm sen nằm chơ vơ như một chiếc dù rách cách bờ đầm hơn sáu mét. Sen đã tàn. Cơn mưa đã vùi mùi thơm của những bông sen cuối cùng xuống dưới mặt nước nên tôi chẳng ngửi thấy gì ngoài mùi nước mưa khét khét quyện với mùi lá sen úa rữa. Những cây luồng được ghép lại làm cầu dẫn ra lều đã thâm đen lại vì ngấm mưa.

Những sợi nilông buộc ngang thân chúng hầu hết đã sờn đứt khiến việc đi ra lều trở thành một việc mạo hiểm như đi trên dây. Phải cẩn thận lắm tôi mới giữ được thăng bằng để ra tới lều. Không có ai ở trong lều. Chiếc đèn pin tôi cầm trên tay quét ánh sáng sắp cạn của nó quanh lều. Những chiếc nậm nằm chỏng chơ dưới sàn lều cùng với những chiếc nút bằng lá chuối khô xổ lua tua hiện ra trước mắt tôi. Trên nóc lều những sợi dây treo nậm lủng lẳng trong gió như những chiếc thòng lọng.

Tuần rằm mồng một nào tôi cũng ra đây tìm ông Bao mua hoa sen về thắp hương nhưng chưa bao giờ tôi thấy những nậm rượu của ông ấy bị đối xử như thế này. Ông ấy quý những nậm rượu như tôi quý những bông sen trên đầm. Tôi thường thấy ông Bao treo những nậm rượu thành từng cặp từng cặp trên những thân luồng đỡ mái lều như người ta treo những chiếc chuông gió.

Nhiều lần tôi gặp cảnh ông Bao cùng những ông già chăn bò vừa ngồi uống rượu vừa nâng những cái nậm trên tay ngắm nghía. Gió bão đã thổi tất cả những nậm rượu xuống đất hay ai đó đã uống hết rượu trong nậm và chẳng nghĩ được tới việc xếp chúng lại cho gọn mắt? Tôi soi đi soi lại vùng nước quanh lều rồi đành đánh vật với những cây luồng trơn ướt để trở vào bờ.

Trên đường về làng tâm trí tôi bị xâm chiếm bởi một nỗi sợ hãi. Nỗi sợ hãi đã át cả cảm giác kiệt sức vây bó tôi từ lúc ở ngoài đê. Sau tất cả những gì tôi chứng kiến ngoài đê, tôi không muốn phải đơn độc chống lại nỗi sợ hãi đó. Tôi muốn tìm ai đó biết trấn an tôi, chí ít để tôi có thể vững trí tiếp tục đi tìm Nhã.

Tôi dừng lại trước cửa bưu điện văn hóa xã và phát hiện ra cánh cửa không khóa. Dạo này Nhã rất hay quên khóa cửa bưu điện. Có tối Nhã phải đền bưu điện một chiếc điện thoại. Đã có lần tôi gọi Nhã là bà già lẩm cẩm. Bây giờ thì tôi hiểu tại sao gần đây Nhã lại hay quên như thế. Tôi đẩy cánh cửa bước vào trong và đẩy tiếp cánh cửa kính của buồng điện thoại. Tôi rọi đèn pin lên bàn phím điện thoại và bấm số bằng những ngón tay run rẩy. Giọng Hoàng vang lên ngay sau tiếng tít đầu tiên chứng tỏ Hoàng chưa ngủ.

- Em đây - tôi nói vào máy.

- Em không sao chứ? Anh nghe đài nói ở nhà mưa bão to lắm. Từ tối tới giờ anh gọi về không biết bao nhiêu lần mà chẳng ai nhấc máy. Anh lo muốn chết.

- Anh đừng lo, bão tan rồi.

- Em này, anh nghĩ kỹ rồi, tuần sau anh xin nghỉ phép. Anh về lần này chúng mình cưới nhé?

- Biết sợ mất em rồi phải không?

- Ừ... Em đồng ý nhé?

Rốt cuộc cái điều tôi chờ đợi suốt mười năm lại đến thật nhanh vào lúc tôi không ngờ nhất. Tôi gật đầu quên mất tôi và Hoàng đang ở cách nhau cả ngàn cây số. “Em làm gì vậy?” - Hoàng hỏi. “Em gật đầu”. Tôi nghe thấy tiếng Hoàng cười trong máy. Tôi sắp sửa nói cho Hoàng biết tôi đang sợ mất Nhã đến mức nào thì đột nhiên từ góc phòng vang lên một giọng nói quen thuộc:

- Cậu ra tối hậu thư chưa?

- Nhã!

Tôi buông điện thoại lần tới chỗ Nhã. Nhã đang nằm trên chiếc bàn dài thường ngày dùng làm chỗ đọc báo cho người dân trong xã. Phía trên Nhã những tập sách báo đã được chuyển lên những ngăn cao của giá sách và nóc tủ. Thì ra Nhã đã về đây thu dọn chống lụt từ lúc nào. Tôi tìm tay Nhã, khẽ siết.

- Cậu về chẳng nói với mình để mình tìm suốt mấy tiếng đồng hồ.

- Cậu đã ra cả cái lều ngoài đầm sen rồi chứ gì?

- Ừ.

Nhã cười khe khẽ.

Tôi báo cho Nhã biết Hoàng đã cầu hôn tôi. Nhã siết chặt bàn tay tôi thay cho lời mừng. Không cần nói ra, trong lòng Nhã biết đón đợi tôi sẽ là những ngày nắng. Còn với Nhã, phía trước dù là những cơn bão tôi vẫn tin Nhã sẽ không phải đương đầu với bão tố một mình.

Truyện ngắn của NGUYỄN BÍCH LAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét