|
Làm sao để đọc được cực nhanh?
Nếu luyện tập theo phương pháp đọc nhanh của Nhật, bạn có thể đọc cực nhanh, rất có lợi cho những người cần đọc nhiều trong công việc.
Chương trình buổi tối của đài truyền hình NHK vừa bắt đầu và các ống kính ghi hình trực tiếp đang chĩa về khuôn mặt của Uico. Cô tươi cười nhìn khán giả...
Uico đang ngồi trong chiếc ghế bành văn phòng, trên tay là một quyển sách dày mà một khán giả bất chợt trên trường quay mới mang đến.
Sau hiệu lệnh của người dẫn chương trình, cô nhắm ngay mắt lại, với vẻ mặt thể hiện sự tập trung cao độ hết sức. Rồi Uico từ từ hé mắt ra... tròn dần và bắt đầu đọc. Một kiểu đọc... “dễ sợ”! Chỉ trong vài phần của một giây đồng hồ đã xong một trang, còn ngón trỏ của Uico thì chuyên môn lật sang trang như... máy. Sau 2 phút, cô gái đã đọc xong 200 trang chữ. Uico gấp sách lại và bắt đầu kể lại nội dung cuốn sách vừa đọc một cách vô cùng chính xác.
Tuy đang còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng Uico Yokohama đã là một tài năng thực sự: Cô có thể đọc từ 60.000 - 80.000 tự dạng trong một phút (để so sánh một người bình thường đọc trung bình cỡ 600 tự dạng/phút).
Đây không phải là trò ảo thuật hay năng khiếu bẩm sinh. U. Yokohama đang giữ chức vô địch tuyệt đối về đọc nhanh của Socudocu Kiokai - hiệp hội toàn quốc về các phương pháp đọc nhanh, có trụ sở tại thành phố cảng Yokohama, nơi có hàng ngàn người đang theo học phương pháp đọc cực nhanh.
Từ khi được thành lập vào đầu năm 1985, rất nhiều các nhà quản lý, sinh viên, phóng viên cũng như giới chuyên gia của nhiều ngành khác nhau - do yêu cầu chuyên môn bắt buộc phải đọc hàng “đống” giấy tờ mỗi ngày - tới học cách đọc nhanh tại đây. Sau vài tháng, họ sẽ nắm được bí quyết đọc nhanh gấp 60 - 70 lần bình thường.
“Đây là một cuộc cách mạng thực sự - tiến sĩ Toikaiu Suzuki, một giảng viên trong trường, cho biết - Nhất là so với phương pháp đọc “tốc hành” đang phổ biến ở Tây phương, chỉ “cho phép” đọc nhanh hơn từ 6 đến 7 lần mức bình thường”.
Thoạt nghe có vẻ khó tin, nhưng bí quyết thành công của “lối đọc kiểu Nhật” này nằm ở đâu?
“Đó là sự kế thừa nhuần nhuyễn từ triết học cổ truyền - Motoki Yoshiomoto, người sáng lập Hiệp hội Đọc nhanh, giải thích - Trước tiên, học sinh phải học được cách tự thư giãn và quy tụ mọi ý nghĩ vào một điểm duy nhất; nếu không thì họ sẽ chẳng học được cái gì hết.
Thứ đến là học cách “làm chủ” nhịp thở của mình: sâu lắng, từ từ... để bảo đảm lượng ôxy tới não tối đa. Mục tiêu chính là tập cách tạo “đỉnh điểm” giống như trước khi đi vào giấc ngủ - khi não bộ bắt đầu sản sinh ra các tia alfa, với cường độ từ 8-10 hertz; đối lại với cường độ lúc tỉnh táo của tia beta: từ 11-14 hertz.
Trong khi tập, học viên có thể tự kiểm tra xem đã giảm được cường độ xung điện não của mình xuống đúng mức chưa - qua thuật ngữ video kỹ thuật số với máy điện não đồ. Dưới ảnh hưởng của tia alfa, não bộ sẽ ở vào trạng thái “tiếp nhận tối đa”, giống như một thứ “giấy thấm” lý tưởng”. Sau não bộ và hô hấp, thị giác là yếu tố thiết yếu thứ ba trong phương pháp “đọc nhanh kiểu Nhật”.
“Khi đọc nhanh, mắt bạn phải tự động chọn lấy 3 - 4 điểm “cơ bản” trong ánh nhìn trùm lên cả hai trang sách kế tiếp mà đôi tay bạn đang giữ chúng, rồi “nhảy múa” từ điểm này qua điểm kia bằng “tốc độ nhớ’’ - Maiumi Suca****a, nữ giáo sư thỉnh giảng tại hiệp hội, nói - Tuy có vẻ hơi lạ, nhưng chính nhờ lối “thể dục bằng mắt” này sẽ khiến bạn thâu trọn cả trang sách với tốc độ tối ưu, mà không cần phải đọc thứ tự từng dòng một.
Mọi khái niệm tự dạng - chữ - dòng thuộc kiểu đọc cố hữu xưa nay đều phải bị “lướt” qua. Học viên ra trường với lối “đọc toàn cảnh” - y như khi ta thâu tóm cảnh quan rộng lớn chỉ bằng một ánh nhìn vậy. Hay nói một cách khác: “Lối đọc kiểu Nhật” là cách “sao chép” lại toàn bộ trang sách.
Trong khi bán cầu não phải nhận biết các tự dạng, đồng thời bán cầu não trái lại chuyên phân tích tỉ mỉ và logic; kết hợp chúng lại, bạn sẽ thâu tóm nội dung điều đã đọc. “Trong khi đang đọc, cặp mắt phải chuyển động cực nhanh để nhận được những gì “chúng thấy”.
Nhưng sau đó, những gì đã thấy bất thình lình tái hiện lại và toàn bộ nội dung đã đọc “khắc” vào não. Đó là một hệ quả thú vị - nữ giáo sư M. Suca****a khẳng định - Nhưng không phải là không có ngoại lệ. Từng xảy ra nhiều trường hợp học viên không thể kể được nội dung sau lần đọc đầu.
Tuy vậy, điều đáng nói ở đây là hiệu suất đọc. Ít nhất cũng gấp cả chục lần trước khi chưa học “đọc nhanh”. Thực tế chứng minh rằng cách đọc ngang từ trái sang phải đã lạc hậu, mất thời gian. “Đọc dọc” từ trên xuống dưới hiệu suất hơn nhiều - mà “Phương pháp Nhật Bản’’ là một ví dụ đặc trưng”.
P.Quang
Báo Người lao động - Tri thức là sức mạnh
http://web.tintucvietnam.com/Nhip-Song-Tre/2004/7/62061.ttvn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét