Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

Định hướng nghề thiết kế web

Định hướng nghề thiết kế web
Web Designer

Web design là một lĩnh vực đòi hỏi nhiều kỹ năng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Mỗi ngày lại có những ý tưởng và kỹ thuật mới được đưa ra và đôi lúc rất khó để bắt kịp nhịp độ này. Tuy nhiên, các web designer giỏi có một sự “tò mò” bất tận và luôn muốn theo kịp những xu hướng và công nghệ mới nhất. Họ sẽ sục sạo mọi ngóc ngách trên web và đọc bất kỳ blog hoặc bài viết nào mà họ tìm được. Trình đọc RSS của họ luôn đầy ắp những thông tin mới. Danh sách Amazon wishlist của họ luôn có những cuốn sách mới và ở nhà thì những cuốn sách đọc dang dở vẫn còn đang chờ đợi để được “tiêu hóa”. Nói một cách đơn giản, một web designer tự do thành công yêu thích công việc của mình và không ngừng học cách làm việc đó tốt hơn.

Đối với Web deisgn chúng ta phải lun :

1. Yêu thích công việc của bạn

Nếu bạn đang làm việc cho một công ty lớn, đôi lúc thật dễ dàng khi chỉ cần đến đúng giờ, làm phần việc của bạn, và để mọi thứ lại phía sau vào cuối ngày làm việc. Tôi đã thấy những công ty mà nhân viên không hề yêu thích công việc của mình. Đối với họ, đó chỉ là một công việc kiếm cơm không hơn không kém. Do vậy, ngoài giờ làm việc đừng mong họ động đến một quyển sách web design hoặc dự một hội nghị chuyên ngành nào.

Để trở thành một web designer độc lập thành công, điều đầu tiên bạn cần có chính là niềm đam mê với công việc bạn làm. Đam mê (cộng với sự hỗ trợ của cà phê) sẽ giúp bạn tiếp tục làm việc suốt đêm, khi mà bạn bè của bạn đang vui vẻ trong quán bar, hoặc đã say giấc nồng. Tương tự, đam mê sẽ giúp bạn tập trung, không ngừng cố gắng và tránh xa chiếc TV khi công việc tỏ ra nhàn hạ. Nói cho cùng, đam mê là yếu tố then chốt dẫn bạn đến công việc này, và có thể cũng là lý do tại sao bạn muốn hành nghề tự do.

Niềm đam mê cực kì quan trọng khi giao thiệp với khách hàng, cho dù đó là các công ty thiết kế hay khách hàng đầu cuối. Bản thân là một người sử dụng designer độc lập, đối với tôi việc designer thể hiện được tình yêu của họ với công việc quan trọng hơn nhiều so với kinh nghiệm hay khả năng kỹ thuật của họ. Vì bạn có thể dạy cho một người nào đó kỹ năng, nhưng không thể dạy họ niềm vui trong công việc. Cuối cùng, niềm đam mê này rất dễ lan truyền và sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên khách hàng, và tác phẩm của bạn.

2. Chuyên môn hóa

Có một nền tảng kỹ năng bao quát là một điều sống còn với một người hành nghề độc lập vì bạn không bao giờ biết trước được bạn sẽ được đòi hỏi phải làm gì. Tuy nhiên, đã qua rồi cái ngày mà bạn có được công việc nhờ “cái gì cũng biết”. Ngày nay, bạn cần chuyên môn hóa. Một vài kỹ năng sẽ được cần đến nhiều hơn những kỹ năng khác, nhưng nếu bạn thuộc hàng “top” trong một lĩnh vực, ngôn ngữ, hoặc kỹ năng nào đó, bạn sẽ không bao giờ sợ thất nghiệp.

Information Architecture (tạm dịch: Kiến trúc Thông tin) là một ngành “nóng” hiện nay, khi các công ty ngày càng tập trung đến việc nâng cao user experience (tạm dịch: kinh nghiệm người dùng, những gì mà người dùng trải qua và học hỏi được khi sử dụng một dịch vụ, ứng dụng hoặc website nào đó). Người thiết kế đồ họa giỏi cũng cực kì hiếm hoi, đặc biệt đối với những ai có sự hiểu biết về thiết kế giao diện và trị được chứng “đỏng đảnh” của CSS.

Và nếu nói về web standards, có vẻ như các công ty ngày nay luôn trong tình trạng khan hiếm developer thông thạo về web standards. Các ngôn ngữ lập trình truyền thống cũng luôn luôn phổ biến , đặc biệt nếu bạn am hiểu những khái niệm bậc cao như OOP (Object-Oriented Programming) và UML(Unified Modeling Language). Ruby on Rails đang là ngôn ngữ thời thượng (OK, tôi biết Rails không phải là một ngôn ngữ), nên nếu trong trường hợp bạn là một chuyên gia về Rails, bạn sẽ không bao giờ thiếu các hợp đồng đang chờ đợi.

Cần lưu ý rằng không nên chuyên biệt hóa bằng cách hy sinh những kỹ năng khác. Khách hàng và công ty yêu thích những người có kỹ năng đa dạng và am hiểu rộng. Kỹ năng của bạn nên tương tự như chữ T ngược. Nói chung là rất rộng, với một (hoặc nhiều) lĩnh vực chuyên sâu. (Hình minh họa là do người dịch đưa vào để làm rõ hơn khái niệm “chữ T ngược” của tác giả)

3. Tạo một portfolio ấn tượng


Là một freelancer, bản resume thậm chí không đáng để chiếm dung lượng ổ cứng của bạn. Thay vì vậy, bạn cần một portfolio thật xuất sắc. Nếu bạn là người mới vào nghề, xây dựng một portfolio sẽ là một vấn đề khá nan giải. Cách tốt nhất để làm việc đó là hãy liên lạc với bạn bè và gia đình và đề nghị tạo một website cho họ. Tôi không khuyên bạn nên làm việc đó MIỄN PHÍ vì nó có thể ảnh hưởng xấu đến ngành nghề này và đặt bạn vào một tình huống khó khăn khi tác phẩm của bạn không được trân trọng.

Nếu bạn phải làm gì đó MIỄN PHÍ, hãy cân nhắc đến các tổ chức từ thiện hoặc cộng đồng, những nơi thật sự không đủ điều kiện để sử dụng designer chuyên nghiệp. Một cách khác là tạo những dự án của riêng bạn, nơi bạn có thể thể hiện được kỹ năng và ý tưởng của mình. Trong quá khứ tôi đã thuê nhữnng freelancer hoàn toàn dựa trên những dự án cá nhân của họ.

Nếu bạn đã làm việc một thời gian, đừng đưa ra tất cả những gì bạn làm từ trước đến nay vào portfolio. Trình độ của bạn chỉ được đánh giá dựa trên một vài dự án gần đây nhất mà thôi, nên hãy chỉ đưa ra những gì tốt nhất và gần đây nhất. Nói cho cùng, chẳng ai muốn thấy website bạn đã làm từ năm 2002, cho dù nó có tốt thế nào. “Trăm nghe không bằng một thấy”, vì vậy portfolio sẽ giúp khách hàng dễ dàng nhận ra khả năng của designer.

Trong trường hợp bạn là developer hoặc Information Architect, case-study có lẽ sẽ là lựa chọn tốt hơn. Một case-study tốt sẽ cho phép bạn trình bày sự đóng góp của bạn với dự án, giải thích những quyết định của bạn và chứng minh phần góp sức của bạn cho thành công của dự án . Nhưng quan trọng hơn cả, hãy thành thật. Nếu bạn không làm nhiệm vụ thiết kế, hoặc cộng tác với công ty khác, hãy nói ra điều đó.

4. Liên tục mở rộng quan hệ

Chúng ta ai cũng biết “Thành công không nằm ở bạn biết gì, mà là bạn biết ai”. Đối với web designer tự do, điều này càng vô cùng chính xác. Cách tốt nhất để kiếm được hợp đồng là tận dụng và liên tục mở rộng những mối quan hệ. Khi mới bắt đầu, hãy cho tất cả bạn bè và gia đình biết bạn đang làm gì. Hỏi họ có biết ai đang cần một website, và liệu họ có vui lòng giới thiệu bạn hay không.

Nếu bạn nhắm vào khách hàng đầu cuối, những sự kiện dành cho các doanh nghiệp trong vùng là một cơ hội để tạo dựng quan hệ. Các văn phòng thương mại địa phương cũng là nơi rất tốt để gặp khách hàng tiềm năng và có được những lời giới thiệu quan trọng đến các khách hàng mới.

Nhắm vào khách hàng đầu cuối thông thường rất tốn thời gian lẫn tiền bạc. Thay vì vậy, hãy cân nhắc đến việc làm theo hợp đồng với các công ty/đại lý thiết kế. Các công ty thiết kế luôn tìm kiếm những freelancer đáng tin cậy. Họ sẽ chịu trách nhiệm tìm kiếm và quản lý khách hàng cùng những việc “phiền toái” khác, trong khi bạn sẽ chỉ tập trung vào công việc chuyên môn của bạn.

Nếu bạn thiết lập được mối quan hệ với một vài công ty thiết kế trong khu vực, rất có thể bạn sẽ tìm ra đủ công việc để đầu tắt mặt tối suốt ngày. Một cách để tìm kiếm những công ty như vậy là email cho tất cả mọi người trong vùng và thông báo rằng bạn hiện đang sẵn sàng nhận các công việc theo hợp đồng. Một cách tốt hơn nữa là lui tới nơi các designer/developer khác thường gặp gỡ.
Tham dự vào các cuộc gặp, nhóm họp và hội thảo là một trong những cách tốt để tạo ra những mối quan hệ hữu ích.

Nói chung, ai cũng muốn làm việc với người mà mình đã biết và cảm thấy thoải mái với người đó. Nếu họ có một dự án nào đó lần tới, rất có khả năng họ sẽ nhớ và tìm bạn. Nếu họ biết bạng đang tích cực tìm kiếm công việc, khả năng họ giới thiệu bạn với người khác cũng sẽ cao hơn.

Giao tiếp và quan hệ đôi khi nghe có vẻ đáng sợ, nhưng trên thực tế đó chỉ là gặp gỡ những người cùng ngành, cùng thảo luận về những mối quan tâm chung và thỉnh thoảng có được một vài hợp đồng từ đó mà thôi.

5. Quản lý thời gian

Là một freelancer, bạn cần quản lý thời gian của mình thật tốt, và nhất thiết không được bỏ qua hoặc trễ nãi các công việc giấy tờ mà bạn cần làm. Nhiều người hy vọng sẽ phải làm việc ít hơn khi trở thành freelancer, tuy nhiên, đó là điều xa sự thật nhất mà bạn có thể tin. Vì ngoài công việc mà bạn được trả tiền để làm, bạn còn phải tiếp thị bản thân, quản lý dự án, làm sổ sách và mọi thứ có liên quan khác, như điều hành một doanh nghiệp nhỏ vậy.

Khi bận rộn, bạn rất dễ bị lôi cuốn làm việc cả ngày lẫn đêm. Thậm chí khi công việc không gấp rút lắm, những thứ lặt vặt khác cũng sẽ khiến bạn không lúc nào hết việc. Để tránh được tình trạng đó, bạn cần phải đặt ra những giới hạn về thời gian và cân bằng giữa công việc-gia đình. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn làm việc tại nhà.

Hãy chắc chắn rằng mọi người hiểu được đâu là giờ làm việc, đâu là giờ “ở nhà” của bạn. Chỉ vì bạn ở nhà không có nghĩa là bạn có thời gian để rửa chén, lau nhà hoặc đi đổ rác. Ngược lại, cố gắng đừng bị phân tâm vào các công việc có tính “tránh né” như ăn vặt hoặc xem TV. Bên cạnh hậu quả là bị tăng cân, bạn sẽ tiêu tốn gấp đôi thời gian làm việc cần thiết.

Một trong những ưu điểm của việc hành nghề tự do là trở thành ông chủ của chính bạn, nên hãy cố gắng vừa nghiêm khắc nhưng cũng công bằng với bản thân bạn. Hãy thoải mái và linh động trong việc sử dụng thời gian, nhưng nếu bạn email cho khách hàng vào lúc 10 giờ đêm, đừng ngạc nhiên nếu họ cũng điện thoại hoặc email cho bạn ngoài giờ làm việc như vậy. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi và mất tập trung, thay vì cố gắng bám vào chiếc máy tính, hãy thư giãn một lát bằng cách đi bộ, tập thể dục trong một giờ. Khi bạn trở lại với công việc, bạn sẽ cảm thấy tỉnh táo và năng suất làm việc cũng cao hơn nhiều.

6. Tạo dựng danh tiếng

Một trong những cách hay nhất để trở thành một freelancer là trở thành một người mà ai cũng muốn hợp tác. Bằng cách đó, thay vì phải tìm kiếm khách hàng, họ sẽ tự tìm đến bạn. Để làm được điều đó bạn cần phải có một uy tín vững chắc. Những dự án, tác phẩm xuất sắc do bạn làm sẽ biến các khách hàng trong quá khứ thành những người tiếp thị đắc lực và mang đến những khách hàng mới cho bạn.

Bạn cũng có thể tạo dựng uy tín bằng cách chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức qua các bài viết, blog và các buổi nói chuyện tại những sự kiện địa phương. Bằng việc xây dựng danh tiếng là một chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, mọi người sẽ tin tưởng giao công việc cho bạn và giới thiệu bạn với những khách hàng mới. Viết blog là một cách tốt để làm điều này và cũng là điều mà tôi rất khuyến khích các bạn nên làm.

Khi tìm kiếm một freelancer, tôi hiểu và cảm nhận rõ hơn nhiều khả năng cũng như mối quan tâm của người đó qua blog, so với đọc resume. Đó là một công cụ tiếp thị tuyệt vời, nên nếu bạn chưa có blog của mình, điều đầu tiên bạn nên làm sau khi đọc bài này là tạo ngay một blog

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét