Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Lập trình tương lai



Lap trinh tuong lai
Kế hoạch sống chính là tay lái để mọi người điều khiển chiếc xe cuộc đời, vạch ra đường đi nước bước cụ thể để chinh phục ước mơ.

Đối với nhiều bạn trẻ, tự hoạch định cho bản thân một hướng đi đến tương lai không chỉ là dám có mơ ước riêng, mà còn là tự xác lập một kế hoạch cụ thể để đạt được mục tiêu cuộc đời!

Bắt đầu từ giảng đường

Đỗ Phương Mai, trợ giảng khoa Nông Lâm (ĐH Đà Lạt), cho biết mình bắt đầu tự lập kế hoạch nho nhỏ từ lúc còn học cấp II. Ban đầu là ép mình sống kỷ luật với thời khoá biểu sinh hoạt, hoàn thành bài tập về nhà và ưu tiên vào các môn học có thể giúp đạt kế hoạch lớn là làm chủ một phòng nuôi cấy mô sinh học trong tương lai.

Mai tâm sự: “Bố mẹ không can thiệp vào những dự tính của mình, mà chỉ đứng ngoài xem xét với vai trò cố vấn. Mọi quyết định về việc học, công việc thường ngày mình phải tự chủ động, tự sắp xếp từ việc nhỏ đến việc lớn. Khi có kế hoạch thì bắt tay thực hiện ngay không chần chừ. Gia đình chủ yếu chỉ động viên, cái chính là bản thân mỗi người tự nỗ lực”.

Vai trò trợ giảng giúp Mai có điều kiện tích luỹ thêm kiến thức và kinh nghiệm để vài năm nữa có thể nghiên cứu nhân giống các loại cây trồng trong phòng thí nghiệm của riêng mình. Hiện tại, kế hoạch trước mắt của cô là vượt qua kì thi cao học sắp tới.

Trong khi đó, Bùi Minh Thái (SV K40 - ĐH Ngoại Thương TPHCM) đang cùng người bạn thân bắt tay thực hiện kế hoạch lớn của mình vào đầu năm 2005. Đó là cho ra mắt một website chuyên về dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp với tham vọng kinh doanh sinh lời từ việc cung cấp thông tin về kinh tế, những ý tưởng kinh doanh, quảng bá sản phẩm cho doanh nghiệp, làm cầu nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng...

“Ý tưởng về website này đã ấp ủ từ lâu nhưng lúc đó điều kiện chưa chín muồi để thực hiện. Còn bây giờ bọn mình đủ tự tin để triển khai vì mọi thứ đã sẵn sàng: vốn - kinh nghiệm - thời gian cộng với kiến thức marketing và quản trị mạng”, Thái cho biết.

Để có được những điều kiện tốt như hiện tại, trong suốt thời gian học đại học trước đó, Thái đã tự đề ra cho mình những kế hoạch nhỏ và vừa để làm bước đệm. Đầu tiên là phải giỏi ngoại ngữ bằng cách từ năm I, chọn học tiếng Nhật trong chương trình học chính quy của ĐH Ngoại Thương, đồng thời trau dồi thêm Anh văn và đỗ đầu trong kì thi CPE của ĐH Irvine vào năm 2002.

Ngoài ra để tự tin hơn trong giao tiếp, anh chàng 4 mắt này còn làm MC hay phụ trách tổ chức sự kiện cho các CLB tiếng Anh của NVH Sinh Viên và ĐH Ngoại Thương. Từ năm 3 để tích luỹ kinh nghiệm thực tế, Thái xin vào làm tại Công ty FPT và hiện vẫn đang cộng tác với công việc chính là huấn luyện nhân viên part-time.

Với số tiền dành dụm hơn 1 năm làm việc cùng với thù lao dịch phim cho các rạp, Thái quyết định góp vốn thực hiện ươc mơ của mình. Thành công hay thất bại không quan trọng, miễn là mình luôn có niềm tin, Thái chia sẻ.

Dễ hay khó?

Đâu đó vẫn còn suy nghĩ cho rằng lập kế hoạch là điều mang tầm vĩ mô lắm, thậm chí nói ra thì bị cho là... to mồm. Tôi chẳng biết sau này làm gì? Thôi kệ, đến đâu hay đến đó, nói trước bước không qua - đáng tiếc đó lại là câu nói của không ít sinh viên hiện nay.

“Mình cũng nghĩ đến một kế hoạch cho tương lai nhưng để thực hiện được thì cảm thấy không dễ dàng vì cuộc sống luôn thay đổi. Mình không dám chắc có thực hiện được hay không vì còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa, trong đó có cả hoàn cảnh của mỗi người” - Th.Nam (SV Trường ĐH Sư Phạm TPHCM) thổ lộ.

Trong khi M.Nhung (SV Trường ĐH KHXH&NV) dù thành tích học tập khá tốt, thông thạo 2 ngoại ngữ nhưng vẫn đang phân vân không biết sau khi tốt nghiệp có theo đuổi được nghề nghiệp mà mình đã chọn. Nhìn lại 4 năm, cô chỉ thấy mình học chỉ để học, chưa làm được gì nhiều để chuẩn bị cho tương lai gần. Cơ bản là từ trước đến giờ mình không tập cho bản thân thói quen lập kế hoạch trong cuộc sống; mà nếu muốn tập ngay từ hồi cấp II thì cũng không được ai hướng dẫn. Vì thế mình cứ làm theo quán tính, học hết cấp này lại lên cấp khác, học xong thì ra trường, thế thôi!

Phải chăng vấn đề còn liên quan đến cách giáo dục trong gia đình và nhà trường khi phần lớn những gì các bạn trẻ hôm nay đang làm đều do cha mẹ, thầy cô định sẵn theo một cái khuôn nào đó. Và thế là họ không đủ chủ động trong cuộc sống cũng như chưa đủ sức để tìm một kế hoạch như mong muốn cho chính mình?

Điều quan trọng không phải ở người khác mà là ở chính bản thân bạn. Bạn có dám vạch chương trình cụ thể hoá mục đích sống của mình hay không? Cho dù không đạt được thì ít ra bạn cũng biết mình đang ở đâu và sẽ bắt đầu lại như thế nào, Cẩm Hà bộc bạch. Còn bạn, bạn nghĩ sao?

Theo Nhật Vân, Cao Nguyên

Sinh Viên Việt Nam

Nguồn: Dân Trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét