Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần |
Ai trong làng cũng biết tôi phải di chuyển bằng xe lăn và rất nhiều người biết rằng tôi không thiếu tiền bởi em trai tôi ở Đức vẫn thường xuyên gửi ngoại tệ mạnh cho tôi qua bưu điện. Cánh đàn ông ngồi uống nước nói với nhau: “Con mẹ cụt đó phúc lớn thật, cứ việc ngồi yên một chỗ mà hứng của”. Cánh đàn bà ngồi buôn dưa lê hặm hụi: “Nó lắm tiền thế tiêu gì cho hết, thằng đàn ông nào muốn bán “cái ấy” cho nó phải đòi giá cao vào”. Những lời ấy ngẫu nhiên bay đến tai tôi, tôi chẳng thấy buồn bực gì. Tôi biết bực đôi chân cụt của tôi hay bực sự chu cấp dào dạt của em tôi?
Tại sao nó không tìm đến tôi để xin tiền mua heroin? Câu hỏi đó dội lên trong đầu tôi lúc nào là y như rằng lúc ấy hai bánh xe lăn của tôi đang lăn đi bỗng đứng khựng như bị khóa. Tôi tính tới rất nhiều lý do, trong đó có lý do tôi cụt chân. Một con nghiện nặng đến độ đứng giữa đường chặn xe, kề dao vào cổ người ta đòi tiền, ngồi giữa chợ tự chích thuốc liệu còn có khả năng để chút lòng trắc ẩn thắng cơn đói thuốc hay không? Chắc là không. Sớm muộn gì nó cũng tìm tới tôi thôi, có lẽ là đợi tới đợt gửi tiền sắp tới của em tôi, hốt một mẻ ra trò để chạy thuốc dài dài.
Nhà tôi nằm trên rẻo bờ sông giáp với cánh đồng Duôm, nơi hoang vu nhất của cái làng đang thị tứ hóa thần tốc. Trước đây ở rẻo bờ sông ngoài nhà tôi còn có ba gia đình khác sinh sống nhưng dần dà họ bỏ đi cả bởi người ta đi xem bói ở đâu thầy bói cũng nói rẻo đất này nghịch, lắm ma quỷ nhiều hồn oan, ai định cư ở đây sớm muộn sẽ gặp chuyện chẳng lành. Không phải là tôi không để ý đến chuyện thủy thổ mà vì tôi không thể bỏ hoang đất của ông bà cha mẹ. Hơn nữa, tôi đã bị ôtô cán đứt cả hai chân khi tôi hai mươi hai tuổi và kể từ đó đời tôi đâu có thiếu những chuyện chẳng lành. Tôi đâm nhờn với những chuyện chẳng lành như một con bệnh nhờn thuốc.
Từ ngày chuyện chích choác của nó bay đến tai tôi, tôi mắc chứng khó ngủ. Thường tôi nằm trên giường căng tai hốt lấy mọi tiếng động mơ hồ vang lên trong đêm tối. Tôi thấy hệ thống an ninh, nói đơn giản là cổng cửa nhà tôi, tuềnh toàng quá. Cánh cổng được ghép bằng những đoạn gỗ xoan từ ngày bố mẹ tôi còn sống ngấm mưa ngấm nắng bao năm trời, cơ hồ dùng tay mà gỡ từng đoạn gỗ ra không khó. Cửa giữa bằng gỗ tốt có khóa trong nhưng các chấn song cửa sổ thì đều lung lay như răng bà lão cả lượt.
Đã có lần tôi bị cảm, chóng mặt không dậy được, ú ớ gọi hàng xóm và người hàng xóm gần nhất của tôi ở bên kia sông đi cầu khỉ sang, mở cổng, vặn song cửa sổ chui vào trong nhà tôi chỉ mất có mười phút. Một người bình thường mà chỉ cần mười phút để qua sông và có mặt ở gian giữa nhà tôi, còn tôi mỗi sáng mất chí ít hai mươi phút để đổi vị trí từ giường sang xe lăn! Tôi phải làm gì để khắc phục sự thiếu an toàn đó?
Với người khác, nuôi một con chó có thể là giải pháp đơn giản, nhưng tôi thì sợ chó không thể tả nổi bởi chính mắt tôi đã chứng kiến bố tôi bị lên cơn điên đến chết vì chó dại cắn. Làm lại cổng cửa là việc tôi không đặt ra bởi tôi muốn giữ nguyên trạng ngôi nhà như khi em tôi ra đi để một ngày nào đó em tôi trở về người cũ không thấy thì cũng còn thấy cảnh xưa. Cái đơn xin mắc điện thoại của tôi hình như đã tới tận bưu điện huyện nhưng nó cần phải đợi được tập hợp với bốn mươi chín cái đơn như thế nữa của các hộ trong xã người ta mới giải quyết một đợt. Chứng khó ngủ của tôi rồi cũng đi đến mãn tính.
Tối đến tôi thường lăn xe ra bờ sông ngắm trăng, ngắm sông hoặc ngồi im lặng căng mắt nhìn vào đêm tối và thú tiêu khiển không cần dùng tới tiền ấy kích thích trí tưởng tượng của những cái đầu mê tín trong làng. Cái bóng kỳ dị của tôi trên xe lăn loang trên mặt đất gần cây bồ kết già phía bên trái cây cầu khỉ được tin là hồn ma của Văn Cô (một người con gái từng sống ở rẻo bờ sông sau khi chết yểu được coi là rất thiêng) xõa tóc cầm quạt múa. Tôi bị người ta nhìn thành ma kể cũng buồn nhưng quả là có những lúc tôi thấy mình còn sống đấy nhưng đơn độc quá, lủi thủi chẳng khác một hồn ma. Tôi mà ra ma thì số tiền mặt để trong nhà và số tiền tôi gửi trong ngân hàng chẳng hơn gì tiền âm phủ.
Tối hôm ấy là tối mùng ba âm lịch. Trăng câu liêm mỏng quẹt như một mẩu giấy màu vàng được dính lên da trời đen thẫm. Tôi ngồi dưới gốc cây bồ kết ngắm vầng trăng và cố xác định xem so với trăng lá lúa tối hôm trước thì trăng hôm ấy lớn thêm được bao nhiêu. Sự khác biệt rất mơ hồ, và có lẽ ngoài tôi và những nhà nghiên cứu vũ trụ ra chẳng ai thèm để ý. Soạt. Một tiếng động như tiếng tuốt lá chuối khô của một người đi nhà xí quên mang giấy vang đến tai tôi. Tôi quay đầu nhìn về phía bụi chuối gần bờ sông nhất trên khu đất hoang của nhà Hoàn Râu. Trong ánh trăng lờ mờ tôi nhìn thấy một thứ gì đó đen đen đang giãy giụa rất dữ dội, như thể một con gì đó rất to, rất dài đang quằn quại trong cơn đau đẻ hoặc đang giãy chết, nhưng con vật gì mà to và dài như thế chứ? Con người. Bộ óc tôi không đến nỗi không đủ nhạy để suy đoán ra đó là một con người. Người nào, làm sao lại nằm dưới đất cát mà giãy giụa như thế? Tôi đưa tay lăn chiếc xe ra khỏi bóng cây bồ kết, gắng sức lái nó vượt lên khỏi một mô đất cao để đến sát bụi chuối. Những tiếng rên rỉ, khóc lóc và những tiếng chửi thề bị mặt đất hãm bớt âm lượng nhưng vẫn dội vào tim tôi gây cảm giác đau đớn.
- Ai làm sao mà lăn lộn thế? - tôi cất tiếng hỏi với hàm ý muốn giúp đỡ.
- Đ. mẹ! Mặc kệ bố.
- Giáo! Ôi trời, đến thế này kia ư? Về nhà về cửa mà nằm chứ.
- Bà... im mẹ... mồm đi. Nó vừa rủa tôi vừa cong người ôm lấy một gốc chuối như muốn bắt chước điệu bộ của một con trăn quấn cây và rồi nó giãy một cái thật mạnh. Phập! Cây chuối đổ xuống đè lên người nó. Nó ôm cây chuối lăn một vòng, đè nghiến lên thân cây và ngoạm. Giãy, lăn và ngoạm, những động tác hung tợn và mất sức.
- Cô gọi ai đưa cháu về nhé?
Nó lại chửi, chửi trong lúc giãy, lăn và ngoạm. Tôi bấu chặt những ngón tay vào bánh xe lăn, ngực thắt lại.
- Hay là để cô đưa...
Nó bắt ý tôi rất nhanh.
- Đ. mẹ, câm mồm đi. Bố mày... đã quyết rồi. Đứa nào... ngăn... bố mày phay cả nhà.
- Quyết cái gì cơ? - không bắt nổi ý nó tôi hỏi vẻ ngớ ngẩn.
- Để bố mày yên.
Tôi không nói gì nữa, không thể rời mắt khỏi nó và không thể nhịn khóc.
Trước khi trời sáng tôi biết rằng bụi chuối nhà Hoàn Râu đã bị quật đổ, còn những thân chuối nát bấy ra sao thì chỉ sáng hôm sau tôi mới rõ. Đến trưa có người ở bên kia sông mách với Hoàn Râu. Anh ta vượt cầu khỉ sang khu đất bỏ hoang của mình, quay mặt về phía nhà tôi chửi bậy đến nỗi tôi ngỡ râu trên cằm anh ta trước thứ ngôn ngữ bốc mùi ấy sẽ rụng tiệt.
Đêm hôm sau trăng tỏ hơn một chút khiến cho cảnh giãy giụa quằn quại đập vào nhãn quan tôi rõ hơn. Tôi ngồi im trên xe lăn, nhớ lại cảm giác đau đớn khủng khiếp khi tôi bị ôtô nghiến đứt chân. Tôi khóc thầm, nước mắt chảy ròng ròng. Bụi chuối thứ hai tan nát và số phận của bụi chuối thứ ba cũng được định đoạt ngay trong đêm tiếp theo. Hoàn Râu cứ nhè giữa trưa vác mồm đến chửi. Từ điển ‘’đen’’ của anh ta quả là độc nhất vô nhị.
Sợ nó mất trận địa đêm thứ tư, tôi đón lõng nó đề nghị:
- Tay Hoàn nó hung lắm, đe rình là sẽ rình đấy. Đừng ở đây nữa, cô để cổng đấy, cháu cứ vào vườn sau của cô lúc nào cháu muốn. Ở đấy toàn chuối là chuối, cháu cần phải làm gì cứ làm.
Nó không nói gì, lặng lẽ lê bước vào vườn sau nhà tôi ngồi đợi cơn nghiện lên. Rồi nó cũng hé răng xin tôi để cổng cả ban ngày cho nó để ông bà già nhà nó khỏi phải dùng đến dây xích xích nó vào chân giường.
Tôi không cần phải để ý đếm xem nó ra vào vườn nhà tôi bao nhiêu lần bởi vườn chuối của tôi đã cho biết tất cả những gì tôi muốn biết. Từng khóm chuối lần lượt đổ xuống ngổn ngang, tan nát: những mảnh lá và thân chuối trộn với đất văng khắp nơi, mảnh còn tươi lẫn với những mảnh đang phân hủy thâm sì, nhũn nhoét. Vườn sau tan hoang không còn một mống chuối, mùi hăm hăm thôi thối bay vào nhà qua cửa sổ. Tôi cho phép nó mở trận địa ở vườn trước.
Sau độ mươi hôm vườn trước cũng bốc mùi hăm hăm như vườn sau. Tôi bảo tôi sẽ hỏi mua cả vườn chuối của nhà chị Mạnh ở rìa đồng cho nó chiến đấu. Nó nói nó không cần trận địa mới. Nắng gắt nửa tháng liền, vườn sau hết mùi, nó trở lại đó. Cơn thèm thuốc của nó thưa hơn và bớt quyết liệt đi nhiều. Nó không cần giãy, không cần lăn nhưng những lúc không chịu nổi nó vẫn cần găm răng vào đâu đó và nó chọn hai cánh tay lúc nào cũng để trần. Nó sắp cai được rồi, sắp cai được rồi. Tôi nói cho nó biết dự cảm đó của tôi trong một lần bôi cồn lên những vết thương ở cánh tay nó và người bưu tá đến đưa giấy lĩnh tiền cho tôi đã nhìn thấy cảnh đó.
Em tôi gửi cho tôi một nghìn đôla. Tôi gửi bảy trăm đô vào khoản tiết kiệm ở ngân hàng, số còn lại tôi đổi sang tiền Việt mang về nhà. Tôi bảo nó:
- Cháu cai được rồi đấy, bây giờ cần bồi dưỡng thể lực. Cầm ít tiền mua thịt thăn hay trứng mà ăn.
Tôi rút xấp tiền từ dưới đệm lót của xe lăn đưa cho nó. Nó xua tay:
- Cháu không cần bồi dưỡng đâu. Thoát cái của nợ ấy là cháu khắc khỏe. Cô đem mà gửi ngân hàng, nhỡ đâu em cô chết độp ở bên Đức thì cô khỏi phải lăn xe đi ăn xin.
- Ừ, nhưng...
- Đ.mẹ, cất đi - nó gắt.
Người ta đồn đại không hay về tôi và nó. Trí tưởng tượng của những người rỗi hơi vẫn bị dẫn dắt bằng sự mê tín và giờ đây còn được dẫn dắt bằng sự nhẫn tâm nữa. Một hôm tôi đi mua vài thứ lặt vặt ở tiệm tạp hóa gần chợ, có kẻ đã nói ngay sau lưng tôi: “Tiền Tây nó mạnh thật, mua được cả một thằng trai tơ cho một mụ gái già què cụt”. Tối hôm ấy thấy nó đến, tôi bảo:
- Cháu khỏi hẳn rồi, đừng luẩn quẩn ở đây mãi. Tối rỗi rãi thì ở nhà xem tivi, chuyện trò với ông bà già.
Nó bắt ý tôi rất nhanh:
- Cô đuổi khéo cháu chứ gì? Cô sợ những đứa thối mồm nói bậy phải không? Đ.mẹ chúng nó, nói về cháu thì không sao nhưng đứa nào mà nói xấu cô trước mặt cháu thì cháu phay cả nhà nó ngay.
- Cháu phải cai cả cái ấy đi.
- Cái gì cơ?
- Chửi đệm.
- Đ.mẹ, sao mình nhiễm lắm thứ khốn nạn thế không biết. Cai, cai - nó tự vả vào mồm mình đôm đốp.
Dĩ nhiên nó đã quyết là làm được. Cai chửi đệm dĩ nhiên dễ hơn cai ma túy nhiều. Nó không chửi đệm, nó nói tôi dễ bắt ý nó hơn.
Nó khỏe hẳn rồi, vẫn đến chơi với tôi. Tối đến nó đẩy xe lăn đưa tôi ra gốc bồ kết bên bờ sông ngắm trăng. Nó ngồi bệt xuống vệ cỏ, gạ tôi kể chuyện đời tôi cho nó nghe, và cứ nài tôi kể chi tiết chuyện tôi bị xe cán đứt chân (tất cả mọi người đều tránh gợi chuyện này trước mặt tôi). Tôi kể tất cả với nó và lạ lùng là kể xong tôi thấy nhẹ nhõm như thể vừa đem chuyện đau đớn ấy quăng xuống sông cho trôi theo dòng nước để lòng không còn vướng bận gì nữa hết. Nó hỏi tôi:
- Cô cụt ngủn thế có chán đời không?
- À... có chứ.
- Cô kiếm việc gì mà làm cho quên cô ạ. Hay là cô đợi cháu lấy vợ đẻ con mang đến cho cô trông. Lúc nó bé cô ôm nó trên xe lăn, lúc nó lớn nó đẩy xe đưa cô đi khắp làng.
Tôi cười trong nước mắt.
Có lần tôi hỏi nó:
- Ai mách cháu trong cây chuối có chất cai nghiện?
Nó cười khì khì:
- Làm quái gì có cô. Hồi trước em cháu bị bệnh nặng, cả nhà cháu phải cắt bữa để dành tiền mua thuốc cho nó. Có bận cả ngày cháu chẳng thấy nhà cháu nhóm bếp lần nào, ai đi đâu kiếm được cái gì cho vào bụng thì kiếm. Cháu chui sang vườn chuối nhà bà cháu, vít nõn chuối xuống nhai, hết nõn cháu bẻ cả thân chuối non. Cháu chưa thấy thứ gì làm cháu dễ chịu như cái của ấy.
- À... Cô cứ tưởng...
- Cô tưởng có thể đem cây chuối lên báo để phổ biến chứ gì?
Nó bắt ý tôi đến tài.
Hôm ấy là mười hai tháng chạp. Không khí tết đã mon men đến khu trung tâm xã nơi có những cửa hàng san sát. Nó bỗng dưng nảy ra ý tưởng đưa tôi đi cắt tóc ngắn. Nó bảo mái tóc dài của tôi đẹp nhưng khiến người ta tưởng tôi là ma. Tôi thấy nó nói phải liền đồng ý để nó đẩy xe đưa tôi ra tiệm cắt tóc gần chợ. Đến nơi nó xốc nách chuyển tôi ra chiếc ghế của tiệm, giúp thợ cắt tóc khoác chiếc khăn trắng quanh vai tôi rồi ngồi lên chiếc xe lăn của tôi vắt chân chữ ngũ cầm một tờ báo đọc lầm rầm. Cái cảnh nó với tôi ở cùng nhau như thế chắc chắn khiến những người qua đường xì xào nhưng tôi chẳng buồn nghĩ tới việc đó mà chỉ căng mắt nhìn vào gương đề phòng tay thợ cắt tóc mới đến xã tôi hành nghề cố tình cắt tóc tôi quá ngắn. Chúng tôi đang ai có việc nấy như thế thì đột nhiên có tiếng còi xe môtô rất lạ rú lên.
- Công an, công an chúng mày ơi!
Bọn trẻ con ở hai bên đường ríu rít gọi nhau chạy theo chiếc xe môtô. Tay thợ cắt tóc vẫn chăm chú xẻo từng lọn tóc của tôi vứt xuống đất. Tôi vẫn soi gương. Nó vẫn lầm rầm đọc báo. Mười phút trôi qua. Mọi chuyện vẫn giống hệt mười phút trước. Bỗng tiếng còi xe cảnh sát lại rú lên, mỗi lúc một to, kèm theo đó là tiếng động cơ xe ù ù. Chiếc xe cảnh sát đỗ lại trước cửa tiệm cắt tóc. Xe đứng yên mà còi xe vẫn gào thét nhức óc. Ba công an và mấy người của xã ập vào trong tiệm. Đầu óc tôi đơ. Hình như họ đọc, chắc là có đọc một cái lệnh hay một quyết định gì đó. Còng số tám bập vào tay nó kêu đánh cạch. Nó bị kéo đứng dậy. Đi, ai đó thúc lưng nó. Tôi tỉnh táo trở lại.
Tôi ngoái cổ ra van xin: “Thằng bé cai được rồi, khỏi hẳn rồi mà, xin đừng bắt nó đi. Nó cai được rồi, tôi xin bảo đảm”. Mấy người công an không ai nói gì. Ông trưởng công an xã quay đầu lại nhìn tôi bằng ánh mắt không thể hiện gì khác ngoài sự khinh rẻ như thể tôi đã hóa thành con bọ hung bẩn thỉu. Thì ra hai năm trước nó dính vào một vụ cướp xe máy. Giờ công an bắt được kẻ cầm đầu và kẻ đó khai ra nó.
Nó cùng đồng bọn bị đưa ra tòa xét xử. Nó lãnh án ba năm tù, bị giam trong một trại tù ở miền Trung. Nó đi tù được một năm thì bố nó đổ bệnh rồi mất. Giờ mẹ nó đang ốm liệt giường. Có vẻ như từ khi nó vào tù, nó chưa có người thân nào vào thăm.
Tính cho đến hôm nay tôi đã đợi nó ba năm bảy tháng. Có kẻ rỗi hơi trong làng đã tìm đến tôi kể chuyện ở tù của những con nghiện với dụng ý không được tốt đẹp cho lắm. Người ấy nói rằng những kẻ nghiện và những tên côn đồ bị tống vào tù ở chung với nhau thường hà hiếp nhau, mài giũa nhau, đến nỗi khi ra trại nhiều đứa hung hăng hơn, sa đọa hơn, hỏng hẳn. Tôi không tin những lời ấy.
Tôi sẽ vẫn tiếp tục đợi nó. Tôi đợi nó về thực hiện cái kế hoạch thuê khu đất vườn hoang trên rẻo bờ sông để cải tạo thành trang trại. Tôi đợi nó về lấy vợ, đẻ con để tôi được ôm con nó trên xe lăn. Và khi nào con nó lớn, con nó sẽ đẩy xe lăn đưa tôi đi khắp làng.
Những khóm chuối trong vườn nhà tôi và trên khu đất bỏ hoang nhà Hoàn Râu đã tái sinh, đã sinh sôi, lá thì xanh đến là xanh, thân thì bụ đến là bụ. Loài cây ấy chứa một vị ngọt mà chỉ riêng nó biết.
Truyện ngắn của NGUYỄN BÍCH LAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét