Đức Công (trái) – trợ giúp của anh Hòa và Hoàng Công – trợ giúp của anh Tú – đưa các “bạn đồng hành” đi chợ – Ảnh: H.H. |
Một ngày làm việc của Trần Đức Công (tốt nghiệp Viện ĐH Mở Hà Nội) bắt đầu từ 8g. “Cơ quan” của Công chính là nhà của anh Văn Đức Hòa ở khu tập thể ĐH Kinh tế quốc dân. Anh Hòa bị khuyết tật bại não không thể đi lại và tự sinh hoạt được, nên Công được Trung tâm Sống độc lập Hà Nội tuyển dụng và cử đến để làm nhân viên PA cho anh Hòa.
Đồng hành
Công cho biết: “Việc đầu tiên khi đến “công sở” là giúp anh Hòa dọn dẹp nhà cửa, bàn máy tính, giá sách. Vì anh Hòa đang tập trung học ngoại ngữ nên hai anh em dành hầu hết thời gian buổi sáng để trao đổi, học tiếng Anh trên mạng. Thỉnh thoảng, tôi giúp anh Hòa một chút kỹ năng về vi tính và tìm kiếm thông tin hữu ích. Buổi chiều, tôi hỗ trợ anh Hòa tắm rửa, vệ sinh cá nhân. Công việc quan trọng nhất trong ngày là tập di chuyển bằng xe lăn điện cho anh. Hai anh em tập cách đi, cách xử lý tình huống khi tham gia giao thông, biển báo, tín hiệu, cách sang đường…”.
Không có công sở với nhiều nhân viên, công việc chính của nhân viên trợ giúp là làm bạn, giúp đỡ người khuyết tật. Công việc không vất vả, không cần nhiều kiến thức chuyên môn song lại rất cần tấm lòng, sự chia sẻ, cảm thông để giúp người khuyết tật dần trở về với cuộc sống, sống độc lập. |
Với Oanh (tốt nghiệp ĐH Ngân hàng), một ngày làm PA diễn ra khá thú vị. Người được Oanh hỗ trợ là một cô gái tên Hương đã tốt nghiệp ĐH, bị tai nạn giao thông phải nằm một chỗ ba năm qua, rất háo hức khi được trở lại cuộc sống. Oanh và Hương lên “kế hoạch sống” cho từng ngày.
Oanh kể: “Mặc dù đã tốt nghiệp ĐH nhưng tôi chỉ có kiến thức lý thuyết, còn kiến thức đời sống thì rất kém nên Hương lại hướng dẫn tôi, từ nấu ăn, đi chợ chọn mua đồ đến thêu thùa, may vá. Hai đứa cứ ríu rít suốt ngày”. Oanh khoe: “Hôm vừa rồi hai đứa làm một chuyến đi tham quan, mua sắm ở siêu thị Big C. Ba năm rồi Hương mới được tự tay mua sắm cho mình từ chai dầu gội, cái cặp tóc nên cô ấy xúc động và vui lắm”.
Lâm (PA của anh Khánh Lâm – 59 Hàm Long, Hà Nội) thì tâm sự: “Hầu hết người khuyết tật bại não không tự chủ được trong sinh hoạt cá nhân nên phụ thuộc rất nhiều vào người thân. Tuy nhiên, do phụ thuộc nên họ thường chịu đựng và chỉ dám yêu cầu được hỗ trợ những nhu cầu tối thiểu như ăn, ngủ, vệ sinh. Còn những nhu cầu khác như giao tiếp, mở rộng vốn hiểu biết, quan hệ xã hội thì họ gần như không được đáp ứng. Càng khó khăn hơn đối với những người khuyết tật có trình độ muốn được làm việc, cống hiến cho xã hội. Những PA như chúng tôi giúp họ có được sự hỗ trợ tám tiếng một ngày. Họ toàn quyền sử dụng thời gian của PA mà không phải trả chi phí gì cả nên rất hạnh phúc và tranh thủ từng ngày để được tận hưởng, khám phá cuộc sống qua sự giúp đỡ của PA”.
Đức Công giúp anh Hòa mua thực phẩm – Ảnh: H.H. |
Hơn cả một nghề
“Lần đầu tiên đi chợ với sự giúp đỡ của PA, tôi cảm nhận một chút lúng túng nhưng đầy thú vị. Lần đầu tiên trong đời tôi được ra chợ cóc, tự tay chọn cho mình từ mớ rau đến món ăn yêu thích. Với tôi, ngồi trên xe lăn, với sự giúp đỡ của PA, chập chững những bước đầu tiên trên con đường sống độc lập để sau này tự tin hòa nhập cộng đồng thật quan trọng biết bao…” – chị Vũ Hải Yến, một người khuyết tật bại não chưa một lần được ra ngoài cộng đồng, đã nghẹn ngào viết như vậy vào nhật ký sau hai ngày được cung cấp nhân viên PA.
Còn đây là trích nhật ký của Diễm Hương: “Sáng thứ hai, mình dậy từ rất sớm lên kế hoạch chi tiêu để mua giáo trình hay phần mềm học tiếng Anh, tiếng Nhật để cùng Oanh, nhân viên PA của mình, thực hành hằng ngày, mua một chai dầu gội đầu, mấy loại rau, hoa quả, thức ăn tươi để chế biến theo khẩu vị của bản thân, bố mẹ và Oanh. Nếu thấy vật dụng cá nhân nào rẻ sẽ mua tùy quỹ thời gian cho phép. Mình đã dặn Oanh về thời gian mình cần Oanh đến sớm để giúp mình vệ sinh cá nhân, mặc quần áo và đẩy xe lăn cho mình từ nhà đến Big C…
Sau ba năm nằm một chỗ với chấn thương cột sống, mình được quay lại để chứng kiến sự thay đổi lộng lẫy và tuyệt vời ở đây. Mình và Oanh loay hoay mãi mới lên được cầu thang băng chuyền với cái xe lăn, may mà có anh bảo vệ giúp đỡ… Mình đã tự tay mua tặng sinh nhật cháu mình một quyển truyện, thay vì lúc nào cũng nhận từ mọi người thứ mình cần… Mình biết sẽ còn nhiều dịp như thế nữa, mọi thứ đã thay đổi khi có PA…”.
Gần 30 người khuyết tật được nhận trợ giúp đều có chung một cảm xúc, một niềm tin mới về sự thay đổi của cuộc sống khi có PA. Còn với các PA, họ cũng có một mong muốn mãnh liệt: ngày càng có thêm nhiều bạn trẻ đến với nghề này, bởi đó không chỉ là một nghề với 2,5 triệu đồng tiền lương mỗi tháng, mà hơn hết là trách nhiệm với những người gặp thiệt thòi trong cuộc sống, để có cơ hội được thực hiện trách nhiệm xã hội khi còn trẻ.
Tôi thật sự tìm lại được cuộc sống chính mìnhTừ khi có người hỗ trợ cá nhân của Trung tâm Sống độc lập cử đến trợ giúp hăng ngày, tôi đã làm được phần lớn công việc chăm sóc mình từ những việc đơn giản như tắm rửa, vệ sinh cá nhân cho đến giao dịch bên ngoài như làm hộ chiếu phổ thông, đi gặp gỡ bạn bè người thân, uống cà phê, hát karaoke. Mỗi khi có khách từ xa đến chơi hay nhà vắng người thì có thể cùng phối hợp với người trợ giúp cá nhân lo cơm nước. Như vậy, về mặt tinh thần tôi được vơi đi nỗi lo canh cánh về tuổi mẹ đã cao nhưng vẫn phải chăm sóc mình. Sự tự chủ và lòng tự tin đã được nâng cao, điều đó cũng không nằm ngoài mục tiêu lớn mà tôi nỗ lực mong đạt được từ trước đến nay. Với sự trợ giúp này, tôi như thật sự tìm lại được cuộc sống của chính mình. Tính bền vững của dự án Trung tâm Sống độc lập sẽ giúp tôi quyết tâm hơn nữa để tạo lập cho mình một cuộc sống tự chủ cùng với cộng đồng xã hội, vượt qua những rào cản để có thể tham gia một cách đầy đủ và công bằng vào các công việc của gia đình cũng như ngoài xã hội. VŨ ANH TÚ |
HOÀNG MAI
Từ mô hình đến hiện thực
Chị Hồng Hà, giám đốc Trung tâm Sống độc lập Hà Nội, cho biết: “Đối tượng phục vụ đầu tiên của trung tâm là người khuyết tật nặng, bại não ảnh hưởng đến vận động và khả năng nói, tổn thương cột sống, người sử dụng xe lăn. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ từng cá nhân phát huy được cao nhất tiềm năng của mình tại gia đình và cộng đồng, giúp họ tiếp cận nhà ở, việc làm, giao thông, các công trình công cộng, các phương tiện giải trí và dịch vụ xã hội bình đẳng với người không khuyết tật.
Các nhân viên PA sau khi được tuyển dụng, ký hợp đồng lao động sẽ được tập huấn các kỹ năng như giao tiếp với người khuyết tật, cách trợ giúp người khuyết tật… Đồng thời người khuyết tật cũng được tập huấn về kỹ năng sống độc lập bao gồm kỹ năng di chuyển, giao tiếp, nấu nướng, lập kế hoạch chi tiêu… với sự hỗ trợ của PA, tiếp cận các văn bản nhà nước về người khuyết tật…”.
Mô hình sống độc lập thành lập đầu tiên tại Mỹ năm 1972. Sau đó đã được triển khai tại nhiều nước ở châu Âu và châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia… Khi mới hình thành, nhân viên PA được nhận lương từ các tổ chức, quỹ phi chính phủ và sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Sau những năm đầu tự hoạt động, Sống độc lập đã trở thành một tổ chức xã hội được Nhà nước chi trả lương và điều hành.
Trung tâm Sống độc lập Hà Nội là trung tâm đầu tiên được thành lập tại VN đầu năm 2009 với sự trợ giúp của Nippon Foundation ba năm đầu, thông qua tổ chức của người khuyết tật khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tổ chức này giám sát và hỗ trợ việc thực hiện dự án.
Với sự tài trợ của Nippon Foundation, giai đoạn đầu dự án sẽ thực hiện tại Hà Nội với số lượng người khuyết tật được nhận PA không hạn chế. Trung tâm Sống độc lập Hà Nội sẽ tổng hợp số người khuyết tật trong diện được hỗ trợ, tuyển dụng PA, tập huấn các kỹ năng cho PA và cung cấp cho người khuyết tật. PA được trung tâm ký hợp đồng lao động, trả lương và đảm bảo mọi yêu cầu về điều kiện làm việc, mức lương.
Sau giai đoạn đầu mang tính mô hình, dự án sẽ được triển khai sâu rộng tới các tỉnh thành trên cả nước.
Các bạn ở Hà Nội có thể liên hệ với TT:
Địa chỉ: 42 Kim Mã Thượng, Ba Đình, Hà Nội
Tel/fax: 84-4-37674808/809
Email: ttsongdoclaphn@gmail.com
Ở TP Hồ Chí Minh
CHƯƠNG TRÌNH SỐNG ĐỘC LẬP
TRUNG TÂM KHUYẾT TẬT VÀ PHÁT TRIỂN (DRD)
91/6N Hòa Hưng, F.12, Q.10, Tp.HCM.
Điện thoại: (08) 38682770 (nhấn phím 17)
Di động: 0973 232 818 (gặp Tùng)
Email: song-doc-lap@drdvietnam.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét